Intel Atom đang ở đâu?

Atom của Intel vốn “đình đám” một thời bỗng nhiên “mất hút” trước làn sóng mới của các máy tính bảng và smartphone dùng chip ARM.

Intel Atom đang ở đâu?

Trước làn sóng mạnh mẽ của các loại máy tính bảng dùng chip xử lý ARM cùng vô số những hứa hẹn từ Microsoft về một nền tảng Windows 8 trên nền ARM trong năm tới, cộng đồng người dùng không khỏi thắc mắc: vậy những sản phẩm Atom vốn một thời đình đám hiện đang “chìm nghỉm” ở đâu? Thực tế, Intel không hề bỏ cuộc, dù việc tái tham gia cuộc chiến di động của họ cùng thế hệ chip Atom mới quá chậm.

Atom Medfield đầu 2012 - bài toán năng lượng khó giải

Được lên lịch cho giai đoạn nửa đầu 2012, các chip x86 Medfield (1,6 GHz) có hiệu năng rất ấn tượng. Trong Caffeinemark 3, hệ thống đạt tới 10.500 điểm - cao hơn hẳn so với mức 7.500 của nVIDIA Tegra 2 hay 8.000 của Qualcomm Snapdragon MSM8260 và Samsung Exynos (8.500).

Tuy nhiên, thử nghiệm ban đầu cho thấy Atom vẫn chưa thể đe dọa ARM về khả năng tiết kiệm điện. Theo VR-Zone, mẫu máy tính bảng dùng Medfield sử dụng khoảng 2,6W ở trạng thái nghỉ là cao so mục tiêu 2W của Intel. Việc phát các nội dung phim độ nét cao 720p thông qua Flash của Adobe cũng nhanh chóng khiến máy thử nghiệm vọt lên tiêu thụ 3,6W!

Intel sẽ còn nhiều việc phải làm với Atom thế hệ mới để cải thiện thời lượng pin trong khi vẫn đảm bảo được hiệu năng tối đa để cạnh tranh với thế hệ ARM tiếp theo vốn rất mạnh mẽ (điển hình là nVIDIA Tegra 3 Ka-el). Theo một số nhà phân tích, Medfield cần đạt được hiệu năng vượt trội ít nhất là 10% đến 20% so với ARM.

Atom Clover Trail cuối 2012 - đối đầu ARM!

Trong nửa sau của năm 2012, Intel hy vọng sẽ chiếm được miếng bánh lớn trên thị phần máy tính bảng với các chip Atom lõi kép nền tảng kế tiếp Clover Trail, đặc biệt là ở các sản phẩm chạy Windows 8. Nhiều nhà phân tích cũng tin rằng Medfield chỉ là dải sản phẩm mang tính “mở đường” và Clover Trail mới là nhân vật chính của cuộc chơi di động. Bản thân Intel cũng cho biết Clover Trail là giải pháp hiệu quả cho “cả máy tính bảng Windows 8 và các giải pháp lai khác”. Ngay từ thời điểm hiện tại, nhiều nhà sản xuất máy tính bảng như Acer và Lenovo đã có kế hoạch tung ra những mẫu thiết bị Windows 8 với phần cứng Clover Trail từ quý 3/2012.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn tỏ ra hoài nghi vị thế của Atom ở giai đoạn cuối 2012 trước sự thống trị vững chắc của ARM. Kiến trúc RISC của ARM quá lợi với cơ chế tiêu thụ điện thấp, cho phép thời lượng pin dài. Trong khi đó các chip ARM đa lõi thế hệ mới như Cortex-A9 đang có trong Tegra 2, 3 hay Ti OMAP4, Qualcomm Snapdragon… hứa hẹn cải thiện đáng kể về mặt hiệu năng.

ARM không phải đối thủ duy nhất!

ARM không phải là đối thủ duy nhất của Atom. AMD - một "đại gia" sản xuất chip khác cũng liên tục phát triển các dòng sản phẩm Fusion CE. Fusion C là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Atom với mức TDP chỉ 9W (ngang Atom), gồm hai phiên bản lõi đơn C30 và lõi kép C50. Với mức hiệu năng cao hơn, dòng Fusion E (điển hình là E-240 lõi đơn và E-350 lõi kép) có mức TDP 18W sẽ là mối đe dọa đối với Atom cấp cao có kèm đồ họa rời như nVIDIA ION2 hay chính AMD Radeon HD 4350. Với nhiều đặc tính kỹ thuật mạnh như khả năng xử lý 64-bit, khối điều khiển bộ nhớ DDR3 tích hợp, lõi đồ họa Radeon với 80 đơn vị tính toán…, hiệu năng của Fusion E được xem là sẽ cao hơn so với Atom - thậm chí là nhanh hơn tới 3 lần trong các tác vụ đồ họa (kết quả thử nghiệm của trang web uy tín Tom’s Hardware Guide).

Ngoài ARM và AMD, một số tên tuổi khác dù không nổi trội bằng nhưng cũng rất mạnh như VIA với các chip Nano (lõi đơn và lõi kép) dù có mức tiêu thụ điện cao hơn Atom chút ít nhưng lại hỗ trợ nhiều công nghệ đáng giá như mã hoá AES ở cấp phần cứng. Bên cạnh đó, những so sánh hiệu năng tổng thể giữa Atom và Via Nano cho thấy Nano chạy nhanh hơn so với đối thủ. Nano lõi kép chỉ thua các mẫu Core 2 Duo SU7300 cấp cao hơn của Intel, cho thấy Nano vẫn có chỗ đứng ngay cả khi Atom xuất hiện trên thị trường.

Kế tiếp sau Medfield và Clover Trail, Intel cũng lên kế hoạch cho các mẫu Atom mới cho giai đoạn 2013 - 2014. Trả lời phỏng vấn của CNET, phát ngôn viên Suzy Ramirez của Intel cho biết Silvermount sẽ được sản xuất trên dây chuyền 22nm trong khi đó Airmount có phần ấn tượng hơn khi đạt tới ngưỡng 14nm. Nhiều ý kiến cho rằng, nếu Atom năm nay chưa đủ sức đối đầu với ARM thì những mẫu chip này cũng sẽ mở cho Intel cánh cửa vào thị trường máy tính nhỏ gọn, giá rẻ, tiêu thụ ít điện.
Thứ Sáu, 03/02/2012 10:09
3,52 👨 407
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp