Mate 30 là dòng sản phẩm flagship hàng đầu của Huawei, cũng là mẫu điện thoại đầu tiên đánh dấu sự biến mất của tất cả các dịch vụ Google trên một chiếc điện thoại mang thương hiệu Huawei.
Điều này bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ - Trung Quốc, và Huawei - tập đoàn công nghệ lớn nhất đất nước tỷ dân trở thành đối tượng “đứng mũi chịu sào” khi bị chính quyền của tổng thống Trump liệt vào "danh sách đen", đồng thời yêu cầu toàn bộ các công ty Mỹ ngừng giao dịch với Huawei. Hệ quả từ lệnh cấm khiến Google hủy bỏ hợp tác với Huawei, đồng nghĩa với việc nhà sản xuất smartphone Trung Quốc sẽ không được chuyển giao phần mềm, cứng và hỗ trợ về mặt công nghệ từ Google nữa. Đồng thời, các mẫu smartphone của Huawei đang bán trên thị trường quốc tế sẽ không thể truy cập được vào dịch vụ Google Play, Chrome, YouTube hoặc Gmail…
Lệnh cấm này hiện đang được tạm hoãn thêm 3 tháng và dự kiến có hiệu lực sau ngày 16/02/2020. Tuy nhiên trong một cuộc phỏng vấn với tờ Der Standard của Áo, ông Fred Wangfei, Giám đốc Huawei tại Áo tuyên bố Huawei sẽ không quay lại sử dụng các dịch vụ của Google ngay cả khi lệnh cấm của Bộ Thương mại Hoa Kỳ được gỡ bỏ, và quả thực là tình hình căng thẳng giữa 2 nền kinh tế hàng đầu thế giới hiện đã có dấu hiệu hạ nhiệt, khiến thỏa thuận hợp tác trở lại giữa 2 công ty là vô cùng sáng lạn.
Đây rõ ràng không phải là quyết định “ngông cuồng” của Huawei mà ngược lại theo giới phân tích, đó là nước đi đúng đắn, không những khẳng định vị thế của Huawei trong thế giới công nghệ, mà còn cho thấy công ty đã sẵn sàng làm chủ mọi yếu tố cần thiết để tự mình đứng vững trước mọi tình huống.
Ngoài ra, nhà sản xuất smartphone lớn nhất Trung Quốc cũng muốn thoát khỏi sự phụ thuộc với các công ty Mỹ, điều có thể khiến họ vướng phải những ràng buộc, cấm vận khác trong tương lai. Thay vào đó, Huawei muốn tạo ra một hệ sinh thái điện thoại thông minh thứ ba của riêng mình, đủ sức sánh ngang với iOS và Android.
Việc tạo ra một hệ sinh thái điện thoại thông minh có chỗ đứng trên thị trường trước sự lớn mạnh của iOS và Android là không hề đơn giản. Nhiều ông lớn đã thử và thất bại, chẳng hạn như trường hợp của Microsoft với Windows Phone. Tuy nhiên, hệ điều hành mới của Huawei về bản chất vẫn có mối liên quan chặt chẽ với Android, điều này khiến nó có thể duy trì khả năng tương thích với nhiều ứng dụng.
Theo Der Standard, hiện có khoảng 4.000 nhà phát triển đang làm việc cho Huawei Mobile Services, và công ty Trung Quốc sẽ chi 3 tỷ đô la đầu tư phát triển hệ sinh thái phần mềm của mình trong năm nay. Rõ ràng, Huawei đã có phương án chuẩn bị kỹ lưỡng cho mọi tình huống, và cho đến nay các kế hoạch của họ vẫn đang đi đúng hướng.