Huawei đang bước vào giai đoạn có lẽ là đen tối nhất trong lịch sử của hãng, với hàng loạt những rắc rối phải đối mặt không ngừng tăng lên từng ngày và sức ép “ngạt thở” từ phía chính quyền Donald Trump trong việc duy trì hoạt động kinh doanh mảng viễn thông cũng như điện thoại thông minh.
Gần đây, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung năng nề hơn đối với Huawei: Cấm tất cả các công ty công nghệ dù không phải của Mỹ, nhưng sử dụng công nghệ của Mỹ trong dây chuyền sản xuất, được phép hợp tác và cung ứng linh kiện cho Huawei. Đòn đánh có sức nặng này khiến nhà sản xuất Trung Quốc gần như không thể sản xuất chipset cao cấp cũng như mua được hàng loạt linh kiện quan trọng cho hoạt động sản xuất điện thoại thông minh.
Trước khó khăn đó, Huawei buộc phải nhờ cậy đến sự trợ giúp của các công ty đồng hương. Tuy nhiên theo một báo cáo mới đây, Huawei đã không nhận được sự ủng hộ của chính các nhà sản xuất chip Trung Quốc, vì một vài trong số này bày tỏ lo ngại rằng việc hợp tác với Huawei có khiến họ phải chịu các lệnh trừng phạt mạnh tay từ phía Hoa Kỳ và cuối cùng lâm vào hoàn cảnh tương tự. Có thể nói Huawei đang đơn độc trong cuộc chiến của chính mình.
Cụ thể hơn, báo cáo mới nhất từ Digitimes tiết lộ rằng một loạt nhà sản xuất chip có trụ sở tại Trung Quốc đã âm thầm đình chỉ các lô hàng vốn được lên kế hoạch bán cho Huawei, mặc dù các bên về cơ bản đã đạt được một số thỏa thuận trước đó, và đặc trong bối cảnh Huawei đã gần như bị dồn vào thế khó. Chưa dừng lại ở đó, một số thậm chí đã hủy bỏ các dự án phát triển chung với Huawei, tất cả chỉ vì họ lo ngại rằng các kế hoạch hợp tác tiềm năng với nhà sản xuất smartphone này có thể dẫn đến những rắc rối pháp lý không đáng có với phía Hoa Kỳ.
Lệnh cấm bóp nghẹt Huawei
Vào tháng 5 năm 2019, chính quyền Tổng thống Trump đã quyết định cấm Huawei làm việc với các công ty Mỹ, điều đó có nghĩa là gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc không còn có thể sử dụng các sản phẩm dịch vụ quan trọng của Google cũng như Android trên thiết bị của mình nữa.
Huawei đã cố gắng phát triển các quân bài chiến lược của riêng mình, bao gồm Harmony OS, một hệ điều hành được cho là sẽ thay thế Android. Nhưng khong khi mọi thứ vẫn “chưa đâu vào đâu”, những rắc rối pháp lý liên tiếp với phía Mỹ đã khiến ngay cả các đối tác đồng hương cũng sẵn sàng quay lưng với Huawei.
Hiện tại, Huawei đang cố gắng giải quyết tất cả những vấn đề liên quan đến nguồn cung phần cứng như chip, màn hình, bằng cách xây dựng các kho dự trữ linh kiện lớn. Nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp tình thế. Dù sớm hay muộn, những kho dự trữ này cũng sẽ cạn kiệt và cho đến khi viễn cảnh tồi tệ này thực sự xảy ra, Huawei vẫn hy vọng rằng các lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ sẽ được nới lỏng và mọi thứ sẽ sớm trở lại bình thường. Nếu không, việc Huawei đánh mất thị phần trong thị trường smartphone và cuối cùng buộc phải rút lui khỏi mảng kinh doanh này để tránh thua lỗ nặng là hoàn toàn có thể xảy ra.