Huawei sắp mất khả năng sản xuất chip xử lý Kirin cao cấp, và sắp tới là cả nguồn cung màn hình

Cập nhật ngày 9/9/2020: Samsung, LG & SK Hynix sẽ ngừng cung cấp linh kiện cho Huawei

Có vẻ như mỗi tuần trôi qua, rắc rối mà Huawei phải đối mặt không ngừng tăng lên. Gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã phải chịu áp lực ngày càng lớn trong việc duy trì hoạt động kinh doanh mảng viễn thông và đặc biệt là điện thoại thông minh của mình kể từ khi bị chính quyền Washington đưa vào “danh sách đen” các thực thể thương mại gây hại cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ vào năm ngoái.

Gần đây, Nhà Trắng tiếp tục đưa ra các biện pháp trừng phạt bổ sung năng nề hơn đối với Huawei: Cấm tất cả các công ty công nghệ dù không phải của Mỹ, nhưng sử dụng công nghệ của Mỹ trong dây chuyền sản xuất, được phép hợp tác và cung ứng linh kiện cho Huawei. Đòn đánh có sức nặng này khiến nhà sản xuất Trung Quốc gần như không thể sản xuất chipset cao cấp cũng như mua được hàng loạt linh kiện quan trọng cho hoạt động sản xuất điện thoại thông minh.

Do tác động từ lệnh cấm này, nhà sản xuất chất bán dẫn lớn nhất thế giới của Đài Loan TSMC đã chính thức ngừng cung ứng linh kiện sản xuất chip cho Huawei cách đây không lâu. Chưa dừng lại ở đó, ba nhà cung ứng linh kiện quan trọng khác của Huawei là Samsung Display, LG (tấm nền màn hình) và Samsung Electronica, SK Hynix (chất bán dẫn) hôm nay cũng đã tuyên bố ngừng hợp tác với nhà sản xuất Trung Quốc. Đây đều là những công ty công nghệ lớn của Hàn Quốc và là đối tác chiến lược của Huawei trong nhiều năm. Quyết định trên sẽ khiến công ty gặp khó trong việc duy trì sản lượng smartphone.

Samsung, LG & SK Hynix sẽ ngừng hợp tác với Huawei
Samsung, LG & SK Hynix sẽ ngừng hợp tác với Huawei

Để gỡ rối tình hình, Huawei hiện đang đang thử nghiệm các tấm nền từ các công ty Trung Quốc như Visionox, Tianma và CSOT (China Star), đồng thời chấp nhận BOE là nhà cung cấp chính theo hướng dẫn của chính phủ Trung Quốc về việc mở rộng các bộ phận cung ứng linh kiện trong nước. Về mảng chất bán dẫn, cái tên được “chọn mặt gửi vàng” là SMIC. Tuy nhiên công ty sản xuất chất bán dẫn lớn nhất Trung Quốc này hiện cũng đang nằm trong tầm ngắm của chính quyền Tổng thống Trump, và có lẽ việc một lệnh trừng phạt tương tự được áp dụng có lẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.

Từ ngày 15 tháng 9, để hợp tác kinh doanh với Huawei, các công ty phải nhận được sự chấp thuận đặc biệt của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Một số tên tuổi lớn trong ngành như Qualcomm hay MediaTek được cho là đang tiến hành “vận động hành lang” để có được giấy phép đặc biệt này, nhưng cơ hội cho các nhà sản xuất này được dự báo là không nhiều.

Ngay cả trong trường hợp Huawei bằng cách nào đó có thể mua linh kiện từ các công ty khác, sẽ khó để nhà sản xuất Trung Quốc có thể duy trì vị trí của mình trên thị trường điện thoại thông minh bởi sự thiếu vắng của các thành phần phần cứng cao cấp.


Ngày 8/8/2020: 

Hàng loạt chính sách trừng phạt cứng rắn mới mà chính quyền của tổng thống Donald Trump áp đặt lên tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, Huawei, sẽ sớm có tác động nghiêm trọng đến khả năng của nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới này trong việc cung ứng những thành phần linh kiện quan trọng cho chính các thiết bị hàng đầu của mình.

Đại diện Huawei vừa chính thức lên tiếng xác nhận xác nhận rằng các mẫu Mate 40 sắp ra mắt sẽ là dòng sản phẩm cuối cùng sử dụng bộ vi xử lý Kirin cao cấp của hãng. Đồng nghĩa với việc Huawei sắp mất khả năng sản xuất dòng chip xử lý “cây nhà lá vườn” đã làm nên tên tuổi của mình.

Cụ thể trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh thường niên của Hiệp hội Công nghệ Thông tin Trung Quốc diễn ra tại Chiết Giang, Richard Yu, Giám đốc điều hành mảng kinh doanh tiêu dùng của Huawei, đã đưa ra thông báo cho biết công ty của ông sẽ mất khả năng sản xuất chipset Kirin 9000 sau ngày 15 tháng 9 sắp tới. Đây cũng chính là mốc thời gian đánh dấu sự kết thúc của mọi hoạt động giao dịch kinh doanh mà một công ty Hoa Kỳ có thể thực hiện với Huawei, trừ khi được chính phủ liên bang của ông Trump chấp thuận.

Trước đó vào tháng 5 năm nay, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đưa ra phán quyết yêu cầu các công ty nước ngoài phải có giấy phép từ chính phủ Hoa Kỳ trước khi họ có thể cung cấp chip cho Huawei hoặc bất kỳ công ty con nào của Huawei như HiSilicon - doanh nghiệp vốn phụ thuộc khá nhiều vào các thỏa thuận hợp tác với nhà sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) để chế tạo chip xử lý.

Kirin trở thành bài toán khó với Huawei
Kirin trở thành bài toán khó với Huawei

Bên cạnh đó, Huawei cũng khó có thể quay sang hợp tác với các nhà sản xuất chip của Trung Quốc. Đơn giản bởi các công ty nổi địa chưa đủ nguồn lực để đáp ứng đủ các yêu cầu cần thiết từ Huawei. Đơn cử như trường hợp của Tập đoàn Sản xuất chất bán dẫn Thượng Hải (Shanghai Semiconductor Manufacturing International Corporation) lớn nhất nhì Trung Quốc nhưng vẫn không đáp ứng đủ yêu cầu cần thiết để lấp đầy khoảng trống của TSMC.

"Chúng tôi đã đầu tư rất lớn cho R&D và trải qua một hành trình khó khăn. Thật không may, khi nói đến sản xuất chất bán dẫn, Huawei đã không chú trọng đầu tư nhiều vào lĩnh vực này. Nói cách khác, chúng tôi chỉ làm thiết kế chip mà bỏ qua sản xuất chip, và đó là một sai lầm", Richard Yu cho hay.

Những ai đã từng trải nghiệm smartphone Huawei đều biết con chip Kirin có tầm quan trọng lớn thế nào đến sự thành công của Huawei trong mảng điện thoại thông minh. Đòn đánh này từ phía Hoa Kỳ sẽ có tác động lớn đến tình hình kinh doanh của Huawei trong thị trường mà họ đang nắm giữ ngôi vương.

Thứ Sáu, 18/09/2020 22:40
53 👨 750
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ