Facebook, Google, Twitter kiểm soát chặt chẽ thông tin liên quan đến virus Corona

Dịch viêm phổi cấp tính do virus corona (dịch viêm phổi Vũ Hán) đang là thông tin y tế được quan tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới trong vài ngày qua. Bên cạnh các phương tiện thông tin đại chúng như phát thanh, truyền hình hay báo chí, các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter với hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới cũng là kênh thông tin hữu hiệu để nâng cao nhận thức của người dân về thực trạng và diễn biến dịch bệnh.

Tuy nhiên điều khiến các nhà chức trách, cơ quan quản lý ở nhiều quốc gia phải “đau đầu” ở thời điểm hiện tại là vấn nạn thông tin sai lệch và tin tức giả mạo xung quanh chủng virus corona mới cũng như diễn biến của bệnh dịch, gây ra tâm lý hoang mang không đáng có trong cộng đồng.

Trước thực trạng này, cả Facebook, Google và Twitter hôm nay đều đã lên tiếng cho biết sẽ lập tức triển khai các biện pháp cần thiết nhằm kiềm chế sự truyền bá thông tin sai lệch.

Ngay sau khi WHO chính thức tuyên bố dịch viêm phổi cấp do virus Corona là “một trường hợp khẩn cấp quốc tế về sức khỏe cộng đồng”, Google đã cho hiển thị cảnh báo SOS mỗi khi người dùng thực hiện các truy vấn tìm kiếm liên quan đến bệnh dịch. Cảnh báo này sẽ bao gồm những thông tin cập nhật mới nhất từ WHO, mẹo phòng chống bệnh dịch, và các thông tin liên quan.

Thông báo thừ Google

Ngoài ra, Google cũng đã quyên góp 250.000 USD cho Hội Chữ thập đỏ Trung Quốc để giúp cơ quan này ứng phó với bệnh dịch.

Về phần Facebook, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới cũng đã cho thấy tinh thần trách nhiệm khi tuyên bố sẽ siết chặt quản lý tin tức liên quan đến dịch viêm phổi Vũ Hán, bằng cách sử dụng công cụ Face Check để thông báo cho người dùng về những tin tức giả mạo, chưa xác thực, cụ thể như sau:

“Chúng tôi cũng sẽ bắt đầu xóa các nội dung cũng như tuyên bố sai lầm hoặc thuyết âm mưu đã bị gắn cờ bởi các tổ chức y tế hàng đầu thế giới và cơ quan y tế địa phương, có thể gây hại cho người dùng, hoang mang dư luận.

Facebook sẽ tập trung vào các khiếu nại liên quan đến thông tin sai lầm về diễn biến của bệnh dịch cũng như các biện pháp phòng ngừa được người dùng báo cáo. Điều này bao gồm các khiếu nại liên quan đến phương pháp chữa bệnh chưa qua kiểm chứng, biện pháp phòng ngừa không chính xác hoặc thông tin sai lệch về các tài nguyên y tế sẵn có”.

Twitter cũng đã ngay lập tức đưa ra những hành động mạnh mẽ sau tuyên bố của WHO vào hôm 31/1 vừa qua. Trước mắt, trang mạng xã hội lớn thứ 2 thế giới đã thiết lập quan hệ đối tác với các tổ chức y tế ở 14 quốc gia, trên toàn thế giới, và cho biết sẽ mở rộng ra nhiều địa điểm hơn khi cần thiết, nhằm cập nhật, sàng lọc thông tin về dịch bệnh nhanh và chính xác hơn:

“Chúng tôi đã triển khai một tính năng tìm kiếm chuyên dụng mới để đảm bảo bạn có thể tiếp cận với nguồn thông tin đáng tin cậy, có thẩm quyền một cách nhanh chóng và chính xác nhất về #coronavirus".

Thông báo từ Twitter

Trong 4 tuần qua, đã có hơn 15 triệu tweet liên quan đến virus corona được đăng tải trên Twitter. Rất nhiều trong số đó là thông tin chưa qua kiểm chứng, gây hoang mang trong cộng đồng.

Mạng xã hội đang dần trở thành một công cụ truyền thông có tầm ảnh hưởng cực lớn, thậm chí vượt qua các nền tảng truyền thông truyền thống khác. Sự vào cuộc của các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội là vô cùng cần thiết nhằm hạn chế những rủi ro khôn lường từ vấn nạn tin giả.

Chủ Nhật, 02/02/2020 10:03
51 👨 140
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Chuyện công nghệ