Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (PHEIC) được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ban bố khi có "một sự kiện bất thường được xác định là gây ra rủi ro sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của bệnh ra toàn cầu và cần có phản ứng quốc tế phối hợp".
Như vậy, tuyên bố PHEIC được đưa ra khi phát sinh tình huống “nghiêm trọng, bất thường, đột ngột” và "có thể cần những hành động quốc tế ngay lập tức". Khi đó, WHO sẽ trở thành cầu nối, huy động mọi phản ứng quốc tế nhằm ngăn chặn một dịch bệnh.
Tuyên bố về tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu sẽ bao gồm các khuyến nghị cho mọi quốc gia và vùng lãnh thổ với mục đích ngăn chặn hoặc giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh qua biên giới, tránh cản trở không cần thiết đối với việc đi lại và giao thương kinh tế.
Các quốc gia không bị buộc phải đóng góp nhưng WHO hoan nghênh và kêu gọi các quốc gia tài trợ cho các hoạt động chuẩn bị và ứng phó của tổ chức.
Sau đợt dịch SARS bùng nổ vào năm 2003, các quy định về PHEIC được xây dựng và được thông qua vào năm 2005 bởi 194 quốc gia trong Quy định Y tế Quốc tế (IHR).
Từ khi được thông qua tới nay, WHO đã 5 lần tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu cho các đại dịch gồm: cúm lợn H1N1 (2009), bại liệt (2014), Ebola (2014), Zika (2015) và một đợt tái bùng phát Ebola (2019).
Sau khi WHO tuyên bố virus corona mới ở Trung Quốc đã gây ra Tình trạng Khẩn cấp Quốc tế về Y tế cộng đồng (PHEIC), hiện tại trên thế giới có tất cả 3 dịch bệnh được coi là PHEIC. Ngoài dịch viêm phổi cấp do virus corona mới gây ra ở 19 quốc gia trên thế giới, 2 dịch bệnh còn lại là dịch bại liệt tái bùng phát ở Trung Đông và dịch Ebola tái bùng phát ở Tây Phi.