Trong khi Google and IBM đang “sứt đầu mẻ trán” để khẳng định vị thế cửa trên trong lĩnh vực điện toán điện tử, có một “ông kẹ” khác đang “tọa sơn quan hổ đấu”, “ngư ông đắc lợi”, đó chính là Amazon.
Amazon mới đây đã chính thức giới thiệu chi tiết về Amazon Braket - một nỗ lực của gã khổng lồ thương mại điện tử trong việc biến lĩnh vực điện toán lượng tử non trẻ thành một dịch vụ tiện ích mà bất cứ ai có nhu cầu đều có thể dễ dàng tiếp cận thông qua internet. Cụ thể, Amazon Braket là một dịch vụ được quản lý hoàn toàn qua nền tảng điện toán đám mây AWS, với các tùy chỉnh bảo mật và mã hóa được triển khai phù hợp ở từng cấp độ. Nói cách khác, bạn có thể hiểu nôm na đây là dịch vụ “cho thuê” máy tính lượng tử cho nhiều mục đích sử dụng khác nhau.
Động thái này được Amazon đưa ra chỉ chưa đầy 1 tháng sau khi một tên tuổi có tầm ảnh hưởng khác trong lĩnh vực điện toán lượng tử: Microsoft ra mắt một dịch vụ tương tự. Đây được cho là quyết định hợp lý của Amazon nhằm chiếm lĩnh thị trường trước khi đối thủ kịp “bành trướng”. Tuy nhiên bởi lý do này mà Amazon buộc phải hợp tác cùng lúc với 3 công ty chuyên về máy tính lượng tử như D-Wave, IonQ và Rigetti để nhận được sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật, do Microsoft có thời gian chuẩn bị tốt hơn nên đã làm chủ phần lớn “dây chuyền” của mình và chỉ phải hợp tác với IonQ.
“Amazon Braket được thiết kế để giúp khách hàng có được những trải nghiệm trực tiếp, thực tế nhất với qubit và các vòng tuần hoàn lượng tử. Bạn có thể xây dựng cũng như thử nghiệm các vòng tuần hoàn này trong một môi trường giả lập, sau đó chạy chúng trên một chiếc máy tính lượng tử thực thụ”.
Như vậy khi sử dụng Amazon Braket, bạn sẽ là khách hàng của Amazon, sử dụng các nhóm máy tính lượng tử của dịch vụ để chạy mô phỏng thử nghiệm của mình.
Có lẽ không cần phải bàn nhiều về sự ưu việt của máy tính lượng tử, tuy nhiên hiện công nghệ vẫn chưa được sử dụng phổ biến và giá thành cực kỳ đắt đỏ. Việc các tập đoàn công nghệ lớn, có đủ tiềm lực công nghệ cũng như khả năng tài chính để sở hữu các hệ thống máy tính lượng tử và biến chúng thành một dạng tài nguyên có thể chia sẻ, quản lý và phân phối là cách làm vô cùng hợp lý.