Ngày nay, khi nói tới bảng tính bạn sẽ nghĩ tới các phần mềm như Excel và cơ sở dữ liệu trực tuyến quy mô lớn. Tuy nhiên, từ hàng trăm năm trước khi máy tính chưa tồn tại con người đã phải xử lý bảng tính.
Trong bài viết này, mời các bạn cùng Quản Trị Mạng tìm hiểu lịch sử của bảng tính và xem dân văn phòng ngày xưa làm thế nào khi chưa có sự tồn tại của Excel.
Tại sao nó lại được gọi là bảng tính?
Thuật ngữ bảng tính có vẻ hơi kỳ cục và xa lạ với những ai chỉ biết tới các bảng biểu trên Excel, Google Sheet... Tuy nhiên, bảng tính là một tham chiếu theo nghĩa đen so với hình thức ban đầu của nó hàng trăm năm trước.
Hồi đó, bảng tính là một cuốn sổ cái với kích thước lớn, đôi khi nằm kín mặt bàn theo đúng nghĩa đen. Ở trên từng trang có những đường kẻ chia trang thành các hàng và cột và người ta sẽ nhập dữ liệu vào theo cách thủ công. Dữ liệu chưa chắc chắn sẽ được nhập bằng bút chì và dữ liệu đã được xác nhận sẽ được nhập bằng bút.
Hình dạng ban đầu của bảng tính trông giống như trong bức ảnh bên dưới:
Các nhân viên kế toán thường sử dụng những cuốn sổ cái này trong các trường hợp liên quan tới tài chính và phải xử lý thủ công rất nhiều dữ liệu. Toàn bộ bảng tính có thể bao gồm các khía cạnh như khoản phải thu, khoản đầu tư, hàng tồn kho, chi phí và lương thưởng... Mọi thứ mà một kế toàn cần biết đều nằm trong cuốn sổ cái này. Ngoài ra, các công ty còn có thể có thêm các cuốn sổ con khác phục vụ việc ghi chép, tính toán số liệu.
Những phiên bản kỹ thuật số đầu tiên của bảng tính
Vào đầu những năm 70, LANPAR là chiếc máy tính đầu tiên được tạo ra cùng với phần mềm bảng tính điện tử. Mặc dù có thể thay thế hoàn toàn các bảng tính trên giấy nhưng với người tiêu dùng thông thường LANPAR quá đắt, cồng kềnh và khan hiếm.
Phải tới cuối những năm 70 và đầu những năm 80 khi máy tính cá nhân bắt đầu phổ biến, bảng tính điện tử mới thực sự có những thành công. VisiCalc là chương trình bảng tính đầu tiên dành cho máy tính cá nhân. Dan Bricklin và Bob Frankston là những người tạo ra VisiCalc vào năm 1979.
VisiCals được cài sẵn trên máy tính Apple II nên đã tạo ra rất nhiều sự phần khích cho người dùng gia đình. Điều này thúc đẩy các công ty khác làm theo, bao gồm cả IBM, hãng đã cho ra mắt sản phẩm của riêng họ - IBM PC. Chính tiện ích bảng tính đã góp phần vào sự phát triển nhảy vọt của thị trường PC thời điểm đó và tiếp tục phát triển mạnh trong những thập kỷ tiếp theo.
Những phần mềm tiên tiến hơn
Với nhiều người, phần mềm bảng tính là một công cụ tuyệt vời, một phát kiến vượt bậc. Tuy nhiên, trong suốt những năm 80, máy tính vẫn là cỗ máy vận hành bằng dòng lệnh. Do đó, các chương trình bảng tính như SuperCals, Multiplan và Lotus 1-2-3 mặc dù có những tính năng nâng cao nhưng lại thiếu sự thân thiện với người dùng giống như các hệ điều hành thời bấy giờ.
Sau này, giao diện đồ họa xuất hiện. Điều này giúp việc xử lý các chương trình như bảng tính trở nên dễ dàng hơn rất nhiều. Các thành phần trực quan đã thay thế các tính năng đa số bằng van bản trên toàn bộ các phần mềm. Điều này giúp phần mềm bảng tính trở nên thân thiện hơn và mức độ hữu dụng cũng tăng theo cấp số nhân.
Excel 1.0 là chương trình bảng tính đầu tiên có giao diện đồ họa và ban đầu nó lại không dành cho Windows. Hồi bấy giờ, Microsoft xây dựng Excel để dành riêng cho máy tính Macintosh của Apple và sau này mới đưa nó lên Windows.
Kể từ khi được đưa lên Windows cho tới tận bây giờ, Excel đã trở thành phần mềm bảng tính thống trị trên toàn cầu. Sự xuất hiện của Excel giúp các doanh nghiệp, nhân viên kế toán... tiết kiệm rất nhiều chi phí và thời gian cho việc xử lý dữ liệu.
Xu hướng tiếp theo
Hiện tại, bảng tính đang ở trong giai đoạn chuyển đổi tiếp theo trong lịch sử phát triển của mình. Giờ đây, các phần mềm bảng tính không chỉ có thể xử lý và lưu trữ dữ liệu cục bộ nữa mà chúng còn có thể đồng bộ lên đám mây. Sự xuất hiện của Google Sheet và Excel Online cũng cho phép nhiều người cùng cộng tác trên một bảng tính cùng lúc giúp tăng năng suất công việc và loại bỏ công đoạn gửi file qua lại.
Cho tới nay, bảng tính đã và đang là một phần quan trọng của trải nghiệm kỹ thuật số trực tuyến và sự phát triển không ngừng của chúng chứng tỏ rằng loài người sẽ luôn cần tới phần mềm thiên tài này.