Những quy định khắt khe của EU tuy không giết chết công nghệ điện toán đám mây nhưng đang khiến cho sự phát triển của lĩnh vực này trên lãnh thổ châu Âu “ì ạch” nhất thế giới.
Trong thế giới công nghệ, điện toán đám mây đang ngày càng được thừa nhận là sự đột phá, là một cuộc cách mạng mới làm thay đổi cách thức làm việc của con người. Nói một cách khác, năng lực của con người được giải phóng khỏi mọi biên giới trong đó đặc biệt quan trọng là biên giới địa lý.
“Nhưng chúng ta vẫn chưa thể đến được đó, mặc dù tương lai này vẫn đang đến”, Eric Schmidt – Tổng giám đốc Google phát biểu tại World Mobile Congress diễn ra tại Barcelona (Tây Ban Nha) hồi tháng 2 năm nay. Trong bài phát biểu này của mình, ông Schmidt đã ám chỉ đến thực trạng công nghệ điện toán đám mây đang bị làm khó bởi những quy định ngặt nghèo về quản lý dữ liệu cá nhân của luật pháp châu Âu.
“Có những sự ngăn cấm rất khắt khe đối với lĩnh vực điện toán đám mây ở châu Âu”, Bob Lindsay, giám đốc phụ trách mảng quyền riêng tư người dùng (privacy) khu vực châu Âu của hãng công nghệ Hewlett-Packard nói, “Sự ngăn cấm này không giết chết điện toán đám mây nhưng làm cuộc cách mạng trong lĩnh vực này tiến triển một cách rất chậm chạp so với nước Mỹ”.
Hãng nghiên cứu thị trường công nghệ Gartner mới đây cũng đưa ra những dự báo về sự phát triển của điện toán đám mây toàn cầu trong đó khẳng định lĩnh vực này sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 17% trong năm 2010 và đạt doanh thu 68,3 tỷ USD so với mức 58,6 tỷ USD năm 2009. Cũng theo Gartner, khoảng một nửa số doanh thu này xuất phát từ mảng quảng cáo trực tuyến hay cụ thể hơn là quảng cáo được tùy biến theo từng đối tượng người dùng dựa trên sự theo dõi thói quen lướt web của mỗi cá nhân. Để phát triển lĩnh vực này, sự thu thập thông tin về hành vi người dùng trên môi trường mạng là điều không thể thiếu nhưng với quy định của luật pháp châu Âu, điều này là gần như không thể.
Doanh thu của các dịch vụ điện toán đám mây toàn cầu sẽ tăng lên gần gấp đôi vào năm 2012 và đạt 102,1 tỷ USD, Gartner dự báo tiếp. Nhưng tại châu Âu, doanh thu của lĩnh vực này sẽ vẫn chỉ đạt khoảng 18 tỷ USD – một tỷ lệ quá thấp so với cả thế giới trong khi đó lại là khu vực với 27 quốc gia thành viên và tập trung một số nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới, thậm chí còn lớn hơn cả nền kinh tế Mỹ.
Đối mặt với những cản trở này ở châu Âu, một số doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực này của Mỹ như Microsoft, Google, HP hay Oracle… đang ráo riết tổ chức những chiến dịch vận động hàng lang nhằm thuyết phục các nhà làm luật châu Âu nới lỏng các quy định về di chuyển dữ liệu trong và ngoài khối. Song song với đó, các hãng công nghệ này cũng đang nghiên cứu những giải pháp mới nhằm phát triển điện toán đám mây “mang màu sắc châu Âu” dành riêng cho thị trường này.
Tại châu Âu, các quy định của luật pháp về phạm trù “thông tin cá nhân” rộng hơn rất nhiều so với Mỹ và nhiều quốc gia khác như tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại trong danh bạ công cộng cũng thuộc phạm vi quản lý và nghiêm cấm trao đổi, đặc biệt là việc chuyển các thông tin này ra ngoài phạm vi lãnh thổ châu Âu. Chưa hết, EU chỉ chấp thuận cho một số ít các doanh nghiệp mang quốc tịch Mỹ, Canada và Argentina được quyền cung cấp dịch vụ điện toán đám mây trên lãnh thổ của họ trong khi Ấn Độ hay Malaysia vẫn đang “chờ được cấp phép”. Với các doanh nghiệp đã được cấp phép, khi triển khai họ còn phải thực thi vô số những cam kết khác xung quanh vấn đề bảo vệ dữ liệu. Điều này khiến doanh nghiệp kêu trời vì phải chịu thêm những chi phí phát sinh không nhỏ trong đó có cả việc tốn kém thời gian do phải tuân thủ theo cả những quy định rất bất cập được ra đời từ năm 1995 – thời điểm Internet còn đang rất sơ khai trên thế giới.
Trong khi chưa có bất kỳ một cam kết hay dấu hiệu nào cho thấy các nhà quản lý châu Âu sẽ nới lỏng quy định của mình thì các doanh nghiệp của khối này lại tỏ ra “chẳng việc gì phải vội vàng” bởi họ vẫn đang đầu tư nhiều triệu euro vào các hệ thống điện toán nội bộ, nhân lực…