Cổng thanh toán Baokim có “sao chép” Nganluong?


Một trong những dung chi tiết của Baokim.vn giống hết như Nganluong.vn.

Chiều ngày 16/9, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc PeaceSoft đã “phân trần” với báo chí, về những vấn đề xung quanh việc cổng thanh toán Baokim.vn của Công ty cổ phần thương mại điện tử Bảo Kim, đã sao chép y nguyên Nganluong.vn phiên bản 1.0. Baokim mới ra mắt hồi tháng 6 năm nay.

Giống đến từng chi tiết

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, câu chuyện bắt đầu khi một nhân viên thiết kế của hãng là Nguyễn Trung Đức chuyển sang làm việc cho Bảo Kim, đã copy phiên bản 1.0 của trang web Nganluong và mang sang thiết kế cho Baokim.

Ông Bình chứng minh, nếu giống nhau về tổng thể cấu trúc website thì không nói làm gì vì trên thế giới, các cổng thanh toán trực tuyến cũng chỉ có vài mô hình. Tuy nhiên, từ khái niệm sản phẩm, mô hình dịch vụ, cấu trúc chức năng cho tới mẫu hợp đồng, nội dung giới thiệu quảng cáo… của Baokim đều giống hệt Nganluong.

Theo giải thích của ông Nguyễn Trung Đức, Giám đốc điều hành Baokim, Baokim đã học tập một số mô hình thanh toán trực tuyến nổi tiếng trên thế giới như Paypal, Alipay, nhưng do những thông tin của Nganluong cũng gần giống với nội dung trên Alipay, nên mới có chuyện hai trang “hao hao” giống nhau.

Ông Đức khẳng định, Baokim không ăn cắp công nghệ và những gì thuộc về quyền sở hữu trí tuệ của Nganluong.

Thế nhưng ông Bình khẳng định, một sản phẩm mới ra mắt được 2 tháng lại lựa chọn những hình ảnh, cấu trúc, sơ đồ và nhất là sao chép y nguyên lời lẽ giải thích, chú thích, từ ngữ trên trang web Nganluong, thì rõ ràng đã có sự mô phỏng ở đây.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, khi Nganluong được nâng cấp lên phiên bản 2.0 (vào tháng 7/2010) thì Baokim cũng có những thay đổi giao diện mô phỏng theo hình thức mới của Nganluong.

Về phía Baokim, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Chủ tịch Hội đồng quản trị, cho rằng, nếu Peacesoft khẳng định được những nội dung như logo, hình ảnh được sử dụng trên Nganluong là có bản quyền, Baokim sẵn sàng đền bù thiệt hại và gỡ bỏ.

Sẽ kiện Baokim

Ông Bình còn cho biết, không chỉ sao chép mô hình kinh doanh, 6 nhân sự của Nganluong còn được lãnh đạo Công ty cổ phần Vật giá Việt Nam (công ty mẹ của Bảo Kim) kéo sang làm việc tại Baokim, dù trước đó hai bên cam kết không tuyển dụng nhân sự của nhau.

Số nhân sự này, theo lời ông Bình, đã thu thập và sử dụng thông tin, tài liệu, nguồn dữ liệu khách hàng… của Nganluong. Đặc biệt, họ đã thuyết phục khách hàng của Nganluong chuyển sang dùng Baokim.

Ông Bình cáo buộc, Baokim đã cạnh tranh không lành mạnh khi lôi kéo nhân viên Nganluong sang làm việc và sử dụng chính thông tin khách hàng của Nganluong. “Chúng tôi đã bị đánh cắp khách hàng, bị giảm thương hiệu, uy tín và cơ hội trên thị trường”, ông Bình bức xúc.

Theo ông Bình, nghiêm trọng hơn, trong nhiều tài liệu trên trang web của mình, Baokim đã so sánh trực tiếp sai sự thật về chính sách giá, chức năng… giữa hai bên, làm cho khách hàng hiểu lầm và gây rối tới hoạt động kinh doanh của Nganluong.

Về phía Baokim, ông Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, công ty có nguyên tắc là không bao giờ gọi điện, không email, không chat với bất cứ một nhân viên nào còn làm việc tại PeaceSoft nhằm lôi kéo nhân sự, khai thác thông tin của nhau.

Tuy nhiên, theo ông Điệp, “việc cam kết không sử dụng nhân viên của nhau, chúng tôi sẽ phải thay đổi. Vì nếu không tuyển dụng nhân sự đã làm việc tại một công ty cạnh tranh khác, chúng tôi sẽ cắt đứt nhu cầu muốn làm việc một cách chân chính của nguồn nhân lực này, trong khi họ có nhu cầu làm việc tại Baokim”.

Hiện tại, PeaceSoft đã có công văn gửi công ty Vật giá yêu cầu "chấm dứt hành vi cạnh tranh không lành mạnh và khắc phục hậu quả". Ông Bình cho biết, hiện PeaceSoft đang lập hồ sơ, củng cố chứng cứ, nếu Vật giá không chấm dứt "việc cạnh tranh không lành mạnh", PeaceSoft sẽ đâm đơn khởi kiện Baokim

Thứ Sáu, 17/09/2010 08:56
31 👨 315
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp