Linux từ lâu đã được coi là một sự thay thế xứng đáng cho Windows, và cũng không có gì kỳ lạ khi nhiều người dùng Windows đã quyết định thử “di cư” sang thế giới nguồn mở vì nhiều lý do, có lẽ phổ biến nhất là mong muốn được trải nghiệm một hệ điều hành hoàn toàn miễn phí và có tính bảo mật cao.
Tuy nhiên theo số liệu thống kê thị trường mới nhất, tính đến hết tháng 3/2020, thị phần toàn cầu của Windows nói chung là 89,21%, tương đương với việc có tới gần 9 trong số 10 PC trên toàn thế giới đang chạy hệ điều hành của Microsoft. Ở phía đối diện, Linux chiếm 1,36% thị phần hệ điều hành PC toàn cầu, nghĩa là thậm chí chưa có tới 1 trong 10 PC trên thế giới chạy Linux. Điều này không tương xứng với kỳ vọng mà nhiều người dành cho Linux.
Tạm bỏ qua những thống kê khô khan. Rõ ràng là đang này càng có nhiều người nói về việc chuyển sang sử dụng Linux, nhưng bao nhiêu người trong số họ thực sự có thể gắn bó lâu dài với hệ điều hành này?
Không ít trường hợp đã dùng thử Linux, nhưng sau đó nhanh chóng quay trở về với Windows, chỉ sau vài ngày. Có rất nhiều lý do cho hiện tượng này, bao gồm cả những vấn đề như sự cố liên quan đến phần cứng và phần mềm, lỗi tương thích không biết cách khắc phục, hoặc đơn giản là một (vài) trải nghiệm không hài lòng.
Mới đây, một chủ đề thảo luận trên diễn đàn reddit về lý do quay trở lại Windows sau thời gian ngắn trải nghiệm đã thu hút được hàng trăm lượt bình luận, cho thấy những cái nhìn khách quan về vấn đề cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người này.
“Trải nghiệm của tôi đối với các phiên bản Linux luôn kết thúc với việc tôi phải dành hàng giờ chỉ để cố gắng làm cho những thứ tưởng chừng cơ bản nhất có thể sử dụng được. Mint: tại sao trackpad của tôi lại bị giật? Ubuntu: tại sao lịch của tôi không tự đồng bộ? Tại sao hình ảnh desktop của tôi tiếp tục xuất hiện trên màn hình khóa? KDE: tại sao Windows + d không đưa tôi trở lại desktop? Pop os: tại sao thanh tác vụ của tôi không xuất hiện? Ngoài ra còn hàng tá các vấn đề về cài đặt gói mà tôi thực không biết chúng có mục đích gì, và làm thế nào để sử dụng. Thật mệt mỏi, tôi chỉ muốn có 1 hệ điều hành ổn định và tiện dụng để làm việc”.
Đây là ý kiến đã nhận được sự đồng tình của nhiều người, phần nào cho thấy các rắc rối mà những người “di cư” từ Windows gặp phải khi chuyển sang môi trường Linux. Tuy nhiên nếu nhìn vào thực tế, hầu hết nhưng người chọn quay trở về với Windows đều chưa dành đủ thời gian cần thiết để làm quen với một môi trường mới vốn có quá nhiều khác biệt như Linux. Và thậm chí, một số người còn kỳ vọng Linux sẽ hoạt động tương tự như Windows, điều mà rõ ràng là không thể xảy ra về bản chất, do đó họ nhanh chóng thất vọng để rồi tự thấy mọi thứ phức tạp hơn.
“Tôi đã rất cố gắng để thoát khỏi Windows nhưng không thể... Chơi game là hoạt động giải trí không thể thiếu trong cuộc sống của tôi và Linux (mặc dù đã được nâng cấp nhiều về khả năng chơi game trong 2 năm qua) nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu đó... Ngoài ra, một số vấn đề như ổ cứng ngoài không tự động kết nối khi bật PC... Những thứ cơ bản làm tôi thực sự thấy khó chịu”, một thành viên khác nêu ý kiến.
Suy cho cùng, hệ điều hành nào cũng có những ưu, nhược điểm. Nếu bạn đã quyết định “dứt áo ra đi”, hãy thực sự quyết tâm và chuẩn bị cho mình hành trang là những hiểu biết cần thiết về “vùng đất mới”. Nếu không, bạn sẽ lại phải quay trở về và học cách chấp nhận “sống chung với lũ”.
Nếu đang có ý định chuyển từ Windows sáng sử dụng Linux, mời bạn tham khảo:
Bạn đã từng sử dụng Linux chưa? Bạn gặp phải khó khăn gì khi làm quen với hệ điều hành này? Hãy để lại ý kiến bình luận nhé.