Một phát hiện mới của công ty bảo mật Trusteer cho thấy một thực tế hài hước là những người sử dụng "dế" để truy cập mạng dễ "cắn câu" các thông tin lừa đảo hơn những người dùng máy tính.
Công ty bảo mật Internet Trusteer đã tìm cách xâm nhập được vào hệ thống file dữ liệu của các server chứa các website lừa đảo, và phát hiện ra rằng: những người sử dụng điện thoại di động dễ dàng cung cấp các thông tin chi tiết của mình (để đăng nhập vào các trang lừa đảo) hơn người sử dụng máy tính tới ba lần. Họ cũng thường xuyên trả lời các lời mời chào giả mạo hơn.
Một phát hiện còn thú vị hơn nữa là người sử dụng iPhone là những người "dễ lừa" nhất, họ truy cập vào các trang web lừa đảo nhiều hơn người sử dụng BlackBerry tới tám lần. Trong khi đó, BlackBerry vẫn đang dẫn đầu thị trường smartphone Mỹ với 36% thị phần, còn iPhone chỉ chiếm 25%. Nghĩa là dù số lượng ít hơn nhưng người dùng iPhone lại "áp đảo" BlackBerry về độ cả tin.
Trusteer cho rằng người sử dụng di động phản hồi các email lừa đảo nhanh hơn bởi thực tế điện thoại di động được sử dụng nhiều hơn, truy cập mail thường xuyên hơn máy tính desktop hoặc laptop. Tốc độ phản hồi là rất quan trọng đối với các website lừa đảo vì chúng thường "im hơi lặng tiếng" ngay khi vừa bị phát giác.
Điện thoại smartphone thường có cơ chế báo nhận email rất "ồn ào", với đủ loại chuông thông báo cho người dùng. Việc này vô tình khiến người dùng phải đọc và trả lời cả các email lừa đảo. Người ta thường hiếm khi "phớt lờ" các email trên di động.
Việc tại sao người sử dụng di động lại dễ dàng cung cấp thông tin cá nhân hơn người dùng máy tính tới ba lần vẫn còn là điều khó hiểu. Trusteer cho rằng đó là bởi giao diện điện thoại khiến người dùng khó thấy được hết các thông tin cần thiết từ một email; chẳng hạn chi tiết nguồn gửi "from" có thể được rút ngắn lại chỉ còn cái tên, chứ không hiển thị toàn bộ địa chỉ.
Có thể phỏng đoán rằng khi hiển thị trên di động, bố cục của một email và website được đơn giản hoá nên khó lòng tìm thấy các điểm nghi vấn nếu không chú ý kỹ. Xem toàn bộ một email có thể phát hiện ra các lỗi chính tả hay ngữ pháp, nhưng người dùng di động thường chỉ đọc vài dòng đầu rồi cuộn xuống cuối trang, và phản hồi rất nhanh chóng. Ngoài ra, một website lừa đảo có thể nhìn rất khác với trang web gốc, nhưng trên màn hình điện thoại di động điều này khá khó phát hiện.
Một nguyên nhân khác có thể là do những người sử dụng smartphone tin rằng thiết bị của họ không thể bị nhiễm các phần mềm độc hại trên máy tính để bàn và laptop. Điều này cũng đúng bởi cho dù được cảnh báo trước nhiều năm, nhưng số lượng virus và malware nhắm vào smartphone vẫn còn tương đối hiếm, và phần đông người sử dụng cho rằng các virus trên Windows sẽ không làm gì được họ.
Giải pháp duy nhất cho những vấn đề trên chỉ có thể là người dùng phải tự trang bị các kiến thức cần thiết tối thiểu về bảo mật trên di động. Tất nhiên, người dùng hoàn toàn có quyền phàn nàn, bởi chưa có một trình duyệt web cho di động nào tích hợp tính năng bảo mật so sánh được với các trình duyệt web trên máy tính.