Kẻ xấu sử dụng nhiều hình thức lừa đảo khác nhau để đánh lừa, chiếm đoạt tài sản của nạn nhân như giả mạo cơ quan chức năng, mời chào công việc làm thêm tại nhà, quà tặng miễn phí… Nhiều hội nhóm đã được lập trên mạng xã hội nhằm cảnh báo, hỗ trợ người dùng bị lừa đảo.
Tuy nhiên, kẻ xấu cũng lợi dụng điều này để tiếp tục thực hiện các chiêu trò mới nhằm chiếm đoạt tài sản. Kẻ xấu tự xưng là luật sư lập ra các fanpage và hội nhóm, cam kết hỗ trợ những nạn nhân bị lừa đảo trước đó lấy lại tiền. Chúng cũng tự nhận là có hệ thống chuyên biệt có thể quét được dữ liệu của tất cả nền tảng lừa đảo.
Khi có được niềm tin của nạn nhân, nhóm lừa đảo sẽ yêu cầu hộ cung cấp thông tin để có thể hỗ trợ tốt nhất như dữ liệu cá nhân, tình trạng và số tiền bị lừa đảo.
Kẻ gian sau đó sẽ làm giả một hình ảnh với các thông tin về nạn nhân, số tiền bị lừa và thông tin ngân hàng. Sau đó nhóm sẽ yêu cầu nạn nhân chuyển thêm 2 - 5 triệu vào hệ thống để xác minh thông tin ngân hàng, sau đó sẽ lấy lại được số tiền bị lừa. Nếu thực hiện theo, nạn nhân tiếp tục bị lừa và chiếm đoạt tài sản.
Tình hình lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2023 tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng 37,82% so với giai đoạn 6 tháng cuối năm 2022 theo báo cáo từ Cục An toàn thông tin.
Trên không gian mạng Việt Nam, các chiêu trò lừa đảo ngày càng trở nên tinh vi và phức tạp hơn và hiện được chia thành 24 hình thức với 3 nhóm lừa đảo chính, bao gồm giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác.