Hãng Input Dynamics ở Cambridge, Anh quốc, vừa đưa ra một phần mềm giúp biến các mẫu điện thoại di động thông thường thành thiết bị màn hình cảm ứng.
Theo trang công nghệ Geek, trong bối cảnh điện thoại màn hình cảm ứng phổ biến trên khắp thế giới hiện nay nhưng chi phí không hề rẻ, thì phát kiến mới của Input Dynamics quả là hữu dụng. Thậm chí cả khi đã có nhiều mẫu cảm ứng giá rẻ được các hãng công nghệ tung ra thị trường.
Công nghệ mới này dựa trên khả năng tiếp điểm âm thanh. |
TouchDevice hoạt động dựa trên một chiếc microphone được thiết kế đặt bên trong điện thoại. Thêm vào đó, ở mỗi điểm khác nhau của vỏ máy, khi chạm vào đều cho ra những âm thanh khác nhau. Việc phân tích cẩn thận cho thấy, từ những âm thanh này có thể nhận biết tay người đã chạm vào đâu của thân máy và cách cử động của ngón tay.
Từ đó, kỹ thuật viên đã tạo ra các điểm tiếp xúc cảm ứng ngay từ động tác vuốt thân máy. Nghĩa là, người sử dụng không những có thể chạm vào các biểu tượng trên màn hình cảm ứng để tùy chọn chức năng như ở các mẫu điện thoại cảm ứng đắt tiền, mà còn có thể cuộn màn hình bằng cách vuốt thân máy hoặc chạm thân sau của máy khi cần “ra” các lệnh quan trọng.
Theo nhà phát minh Giovanni Bisutti, chiếc microphone được đặt trong điện thoại để lấy dấu “vân” âm thanh do các cử động của ngón tay tạo ra, như chạm, vuốt… trên vỏ máy và nhanh chóng chuyển thành những lệnh tương ứng với hệ điều hành của điện thoại. Theo ông, cách chuyển hóa này đơn giản dễ làm và không làm tăng chi phí.
Phần mềm này nhận dạng được điểm tiếp xúc trong khoảng 1 cm2. Theo công bố của Input Dynamics, phiên bản TouchDevice hiện tại mới chỉ có thể hoạt động với những lần chạm mạnh từ móng tay hoặc bút cảm ứng.
Hãng này cho biết đang chuẩn hóa các thuật toán để có thể tiếp cận những dấu hiệu âm thanh riêng biệt hơn khi chạm móng tay, đầu ngón tay mềm vào điện thoại. Trong tương lai, các thuật toán này sẽ có thể xử lý các va chạm từ nhiều ngón tay cùng lúc, biến những chiếc điện thoại cũ kỹ thành thiết bị cảm ứng đa chạm.