Huffington Post nổi tiếng từ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2008.
Khởi đầu là một blog cá nhân của Arianna Huffington, nhà báo Mỹ gốc Hy Lạp, Huffington Post đã trở thành tâm điểm của các tranh luận chính trị ở Mỹ, thu hút khoảng 26 triệu khách truy cập mỗi tháng. Và mới đây, AOL đã đồng ý chi hơn 300 triệu USD để mua lại blog này.
Vụ AOL đồng ý mua lại blog này với giá 315 triệu USD hôm 7/2 càng chứng tỏ sức hấp dẫn của Huffington Post. Dự kiến, hàng triệu độc giả của Huffington Post sẽ mang lại cho AOL hàng triệu Mỹ kim tiền quảng cáo, trong bối cảnh mảng hoạt động kinh doanh Internet dial-up của hãng đang suy giảm.
Tờ New York Times cho hay, năm ngoái, ước tính AOL sa thải 2.500 vị trí, khoảng 1/3 tổng số nhân viên của hãng. Doanh thu trong quý 4 của hãng đã giảm tới 26% so với đầu năm, khi các khách hàng dial-up tiếp tục suy giảm. Doanh thu quảng cáo, nguồn thu chính của AOL, giảm 29% so với năm trước.
Bà Arianna Huffington và Tổng giám đốc Tim Armstrong của AOL chỉ mới bắt đầu đàm phán sáp nhập trong tháng trước. Họ gặp nhau tại một hội nghị truyền thông hồi tháng 11/2010, nhưng nhanh chóng thấy rằng, cả hai hiểu nhau tới mức "người này có thể tiếp ngay lời người kia" và tầm nhìn rất giống nhau.
Theo hãng tin BBC, dự kiến việc chuyển giao quyền sở hữu sẽ hoàn tất vào tháng 3 hoặc 4/2011, tùy theo quyết định của giới chức Mỹ quản lý về các vụ mua bán trong ngành truyền thông. Theo bà Arianna, Huffington Post sẽ tiếp tục đưa tin, từ tin đồn thổi trong giới danh nhân, văn nghệ sỹ, đến tin chính trị hành lang Washington.
Bà Arianna Huffington sẽ nắm luôn chức Tổng biên tập của Huffington Post Media Group được lập ra với vốn của AOL. Quan điểm nghiêng về cánh tả của trang blog này cũng sẽ không đổi. Các mục ẩm thực, nấu bếp, văn học cũng sẽ vẫn được tiếp tục. Trong khi, các web tin tức của AOL như Politics Daily và Daily Finance có thể sẽ bị xóa bỏ, nhiều phóng viên viết cho những trang này sẽ trở thành phóng viên của Huffington Post.
Ra đời năm 2005, trang Huffington Post đã có những khách mời thuộc hàng VIP viết cho như Barack Obama, Hillary Clinton, Madonna. Đây rõ ràng là một trong những lý do quan trọng giải thích vì sao trang blog, thường được người Mỹ gọi là HuffPo, trở nên thành công đáng ngạc nhiên.
Nhưng điều khiến blog này ăn khách còn là vì nó tạo dựng được một lượng đông đảo bạn đọc trung thành trên mạng, kết nối và đóng góp ý kiến, quan điểm, bình luận. Ước tính mỗi tháng HuffPo đăng tới 4 triệu lời bình luận khác nhau, trở thành "mỏ vàng" cho ai muốn tìm hiểu không khí chính trị Mỹ.
Hiện trang này đã thu hút nhiều người đóng góp ở dạng blog kết nối, hoặc bài bằng video (vlog). Ước tính trong vòng sáu năm qua, HuffPo đã có 25 triệu bạn đọc thường xuyên hàng tháng trên toàn cầu. Tuy nhiên, thành công của HuffPo không thể có nếu nó không phải là con đẻ của bà Arianna Huffington.
Tờ The Observer của Anh đã tặng cho nữ nhà báo này danh hiệu "blogger nhiều quyền lực nhất thế giới". Arianna Huffington ra đời ở Hy Lạp. Tốt nghiệp đại học Cambridge, bà sang Mỹ làm báo và lập gia đình với một chính trị gia. Trang blog bà lập ra ban đầu chỉ mang tính cá nhân, nhưng dần nổi tiếng từ khi ông Barack Obama ra tranh cử tổng thống năm 2008.
Cách đưa tin và quan trọng hơn là cách tạo ra một mạng liên kết cho người cùng thế hệ, chia sẻ sở thích và quan tâm chính trị Mỹ khiến trang Huffington Post trở thành điểm đến không thể thiếu của chính giới Washington. Hiện tại, trang này đã phát triển thành một mạng lưới, với cú làm ăn mới nhất là chuyên trang về Brazil.
Đây là lần đầu tiên Huffington Post vươn ra nước ngoài dù rằng trang chính ở Mỹ đã có nhiều chuyên mục về các nước. Nhưng cách phát triển của trang blog này cũng không chỉ dựa vào chính trị. Năm ngoái, Huffington Post liên kết với cây bút Nora Ephron ở Hollywood để ra chuyên mục về ly hôn.
Hiện cũng có những ý kiến e ngại về khả năng thành công của thương vụ mới này do AOL chủ trương. Ông Steve Case, người đồng sáng lập AOL, nói trên trang Twitter của mình rằng vụ liên kết không thành với Time-Warner là điều cần chú ý. Năm 2000, tập đoàn AOL đã kết hợp với Time-Warner nhưng không đạt kết quả mong muốn và hai bên lại phải chia tay năm 2009.
AOL không hoàn toàn là một công ty truyền thông mà cũng không hẳn là một hãng công nghệ. AOL tập trung vào các xã luận, chiến lược giúp hãng cạnh tranh với nhiều đối thủ lớn trên Internet, như Google. AOL dự tính, ngoài nội dung, hãng có thể bán các quảng cáo hiển thị và quảng cáo địa phương, những lĩnh vực Google không thống trị.
Năm ngoái, AOL đã mua blog tin tức TechCrunch với giá 25 triệu USD để bổ sung sức mạnh cho mảng công nghệ của hãng, vốn đã có Engadget. AOL đầu tư mạnh mẽ vào các nội dung sáng tạo thông qua những đơn vị như Patch, giúp hãng cạnh tranh với những tờ báo địa phương. Tuy vậy, người đọc vẫn không "khoái khẩu" đối với nhiều nội dung và tin tức của hãng.
Trong khi đó, Huffington Post cũng đối mặt với nhiều thách thức trong mảng nội dung. Nhiều bài viết của họ được tập hợp từ nhiều nguồn tin tức khác, và họ mới bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào các bài viết, tuyển dụng những phóng viên kinh nghiệm từ New York Times, Newsweek... Ngoài ra, Huffington Post cũng chưa hề đối mặt với những khó khăn như của AOL.