Khi các vấn đề sản xuất vẫn chưa được giải quyết thì viễn cảnh "bình dân hoá" các dòng tivi 4K sẽ cần thêm nhiều thời gian nữa.
Sự kiện CES 2014 chứng kiến sự bùng nổ của hàng loạt mẫu TV OLED chất lượng cao, độ phân giải Ultra HD siêu nét.
Công nghệ OLED giúp từng điểm ảnh trên TV có thể tự thay đổi màu sắc một cách độc lập. Điều này giúp tạo ra độ sáng "chuẩn" cho TV OLED: màu trắng thực sự là màu trắng, màu đen thực sự là màu đen. Khác hẳn với công nghệ LCD thì màn hình OLED có thể tự tạo ra độ sáng cho riêng mình.
Song, do quá trình sản xuất OLED là khá phức tạp nên các nhà sản xuất đang gặp vấn đề trong việc sản xuất TV OLED trên diện rộng. Do đó, mặc dù đã ra mắt nhiều sản phẩm TV OLED ấn tượng tại CES 2014, Samsung cho biết thời đại OLED vẫn còn cách chúng ta quá xa.
Trong một cuộc phỏng vấn với tờ USA Today, phó chủ tịch điều hành phụ trách mảng Màn hình Hiển thị của Samsung, ông H.S. Kim, cho biết sẽ phải mất 3 tới 4 năm nữa giá TV OLED mới chạm mức người tiêu dùng thông thường. Tuy vậy, ông tin tưởng rằng độ phân giải siêu cao Ultra HD sẽ sớm trở nên phổ biến.
Ngoài ra, số lượng nội dung 4K khá hạn chế cũng là một trở ngại khiến TV độ phân giải này chưa trở nên phổ biến. Tuy vậy, điều này sẽ sớm thay đổi, bởi trong năm nay cả Netflix và Amazon đều đã tuyên bố sẽ phát hành nội dung độ phân giải Ultra HD. YouTube cũng tuyên bố tung ra một loại codec mới, giúp giảm băng thông tối thiểu cần thiết để xem nội dung độ phân giải siêu nét qua mạng.