Chọn thiết bị nhà thông minh để mua có thể là một việc đau đầu. Bạn cần biết những nền tảng nào được thiết bị hỗ trợ (Alexa, Google Assistant, ZigBee, v.v…). Việc sản xuất chúng cũng phức tạp không kém. Bây giờ, liên minh Amazon, Apple, Google và ZigBee đang hứa hẹn đưa ra một giải pháp cho vấn đề này: Đó là hợp tác cùng nhau! Các công ty này đã thành lập một nhóm cộng tác chung có tên Project Connected Home over IP để tạo một tiêu chuẩn kết nối tất cả thiết bị.
Càng ít thời gian phát triển, sự tương thích càng tăng cao
Ngay bây giờ, các nhà sản xuất thiết bị nhà thông minh phải đưa ra lựa chọn. Những nền tảng nào sẽ được hỗ trợ? Triển khai Alexa hay Google Assistant? Có triển khai HomeKit không? Có lẽ bạn sẽ tự hỏi tại sao không thực hiện tất cả những điều này nhỉ? Nhưng mỗi nền tảng mới sẽ làm tăng thêm chi phí phát triển và tạo thêm nhiều lỗ hổng bảo mật tiềm năng.
Khi tìm mua một chiếc đèn thông minh, bạn có thể bắt gặp một sản phẩm trông thật tuyệt vời, nhưng chỉ hỗ trợ Alexa hoặc Google, chứ không phải cả hai. Điều đó thật tệ.
Nhóm hợp tác mới có kế hoạch triển khai một tiêu chuẩn không có bản quyền, mã nguồn mở mới để tăng khả năng tương thích giữa các nền tảng và thiết bị. Đây là một tin tốt cho cả nhà sản xuất thiết bị smarthome và người tiêu dùng.
Nếu mọi việc suôn sẻ, các nhà sản xuất sẽ có thể triển khai tiêu chuẩn và hỗ trợ ngay lập tức cho Alexa, Google, ZigBee, Siri, v.v... Các công ty sản xuất thiết bị nhà thông minh khác, như IKEA, Samsung SmartThings và Signify (công ty đứng sau Philips Hue), cũng đang tham gia nhóm.
Điều đó có nghĩa là sẽ ít xảy ra nhầm lẫn hơn khi bạn mua thiết bị nhà thông minh. Bạn không cần phải lo lắng nhiều về việc thiết bị có hỗ trợ nền tảng của mình hay không. Các thiết bị nhà thông minh tuân thủ tiêu chuẩn này sẽ hỗ trợ nhiều nền tảng (Z-Wave là thiếu sót lớn nhất).
Một chủ đề quen thuộc
Như tên nhóm hợp tác này cho thấy, tiêu chuẩn mới sẽ sử dụng Internet Protocol (IP) để tạo cầu nối giữa các nền tảng khác nhau. Hầu hết người tiêu dùng đã có router WiFi trong nhà, do đó, theo một số cách, nó sẽ trở thành “hub” mới.
Bằng cách chuyển khỏi các giao thức độc quyền và hướng tới IP, mục tiêu là loại bỏ sự khác biệt và sử dụng một phương thức giao tiếp được thiết lập với bảo mật tích hợp. Mục tiêu rất giống với những gì Thread Group đang cố gắng thực hiện. Cả hai đều hướng tới việc sử dụng IP làm phương thức liên lạc chính.
Sử dụng chỉ một tiêu chuẩn kiểm soát sẽ tăng tính bảo mật trên nhiều khía cạnh. Tiêu chuẩn này không chỉ có thể dựa vào các giao thức bảo mật đã tồn tại từ lâu, được triển khai trong IP, mà còn giúp đỡ phải khắc phục nhiều vấn đề về tổng thể.
Đừng vui mừng quá sớm!
Mặc dù vậy, cũng đừng quá phấn khích. Việc này không thể diễn ra trong một sớm một chiều. Việc hợp tác mới được thông báo. Tiêu chuẩn mới vẫn chưa tồn tại. Nhóm hợp tác có thể tan rã hoặc thay đổi hướng hoàn toàn.
Ngay cả khi Project Connected Home over IP thành công trong việc tạo và phát hành một tiêu chuẩn tuyệt vời, hoàn hảo về mọi mặt, chẳng có gì đảm bảo rằng nó sẽ được áp dụng. Chỉ thời gian mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác. Nhưng việc tập hợp được nhiều công ty cạnh tranh lại thành một khối thống nhất cũng là một bước tiến lớn đáng ghi nhận nhằm hướng đến một tương lai tươi sáng hơn.