Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội giành Cup vô địch Kỳ thi lập trình sinh viên quốc tế ACM/ICPC Việt Nam cùng 9 đội tuyển khác trong Top 10 của Việt Nam sẽ tham dự vòng loại ACM/ICPC châu Á để có mặt trong Chung kết ACM/ICPC toàn cầu tổ chức tại Harbin, Trung Quốc từ 1 đến 6/2/2010.
Cuộc đấu trí sôi động
Năm nay, Việt Nam không được đăng cai vòng loại ACM/ICPC châu Á, kỳ thi ACM/ICP Việt Nam tại Đại học Nha Trang là kỳ thi quốc gia, từ đây chọn lựa 10 đội tuyển Việt Nam xuất sắc nhất tham dự vòng loại châu Á tại Thái-lan, Indonesia, Iran ...
Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam năm 2009 bắt đầu từ sáng 9/10 tại nhà Thi đấu đa năng Đại học Nha Trang và sôi động từ ngay những phút đầu.
Có tới 83 đội tham dự ACM/ICPC Việt Nam với số thí sinh tham gia thi đấu là 248 sinh viên. Có thể thấy nhiều gương mặt quen thuộc: Đội ACT Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội được tái lập lại từ TheLastChance đã dự World Final ACM/ICPC 2009 tại Thụy điển với cây coder hàng đầu là Tạ Việt Cường (Cup bạc, Siêu Cup OLP’09). Đội Passion ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh với các coder chủ công với Siêu Cup OLP’08 Phạm Tuấn Vũ và Cup Bạc OLP’09 Trịnh Trần Đăng Khoa.
Với quyết tâm giữ vị trí đại diện Việt Nam dự Chung kết ACM/ICPC, các trường ĐH Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và Đại học Công nghệ Quốc gia Hà Nội, Đại học Bách khoa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều cử ít nhất ba đội mạnh gồm các sinh viên IT còn đầy tiềm năng. Lần thứ hai tham dự, Đại học FPT cử tới 5 đội tuyển “tham chiến” (một đội từ TP Hồ Chí Minh) gồm các coder chủ công là các sinh viên IT hàng đầu đã đoạt giải IOI các năm 2007, 2008. Các đội tuyển đã rất quyết tâm để có mặt trong Top 10 Việt Nam tiếp tục thi đấu vòng loại châu Á.
Căng thẳng thi đấu giành giật vị trí trong Top 10 ACM/ICPC Việt Nam, ngay sau khi các đội tuyển nhận đề, đã thấy khí thế của một trận chiến online - không phải là Game nhưng đối với các Coder thì đây quả là một game trí tuệ trong một trận đấu thứ hạng với 5 tiếng căng thẳng, với 8 bài từ A-H sẽ phải giải quyết trong 5 tiếng thi đấu.
Chung cuộc, đội ACT ĐH Công nghệ Hà Nội đã giải đủ 8 bài và giành điểm cuối ở phút thứ 261 sau 5 lần nộp. Điều ngạc nhiên đội Knight_1 của ĐH Ngoại thương bám đuổi với 7 bài giải trọn vẹn, Đội Passion Đại học Khoa học Tự nhiên ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tuy dẫn dầu tiếng thứ 3 nhưng bị mắc ở các bài cuối và về ngay sau đội Knight_1.
Theo xếp hạng, đội vô định là Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội, tiếp theo là Đại học Ngoại thương, thứ ba Đại học Khoa học tự nhiên TP Hồ Chí Minh và thứ 4 là Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trong Top 10 ACM/ICPC Việt Nam, Đại học FPT có bốn đội trong Top 10, trong đó có một đội đoạt giải nhì. Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh góp 2 đội Top 10 Việt Nam. Đáng chú ý là Bách khoa Đà Nẵng là khuôn mặt cuối cùng trong Top 10. Tổng cộng có 1 giải vô địch, 3 giải nhất, 4 giải nhì và 4 giải ba Kỳ thi ACM/ICPC Việt Nam năm 2009.
Việt Nam vươn tầm trên đấu trường quốc tế
Từ 2005, Việt Nam liên tục có trường Đại học có đội tuyển sinh viên trong xếp hạng Top 100 trường Đại học ghi danh trong Chung kết toàn cầu ACM/ICPC - kỳ thi có lịch sử 33 năm, kỳ thi của trí tuệ tập thể danh tiếng nhất thế giới dành cho sinh viên CNTT các trường Đại học.
Ngôi Vô địch ACM/ICPC Việt Nam đã thuộc về ACT Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội. Từ kết quả ACM/ICPC Việt Nam, 10 đội tuyển xuất sắc nhất đã đăng ký và sang dự vòng đấu loại ACM/ICPC châu Á tại Phulet, Thái-lan vào ngày 4-11. Mỗi đội tham dự sẽ được Ban tổ chức hỗ trợ 10 triệu đồng.
Tính đến nay đã có ba trường Việt Nam đã có tên trong bảng xếp hạng World Final ACM/ICPC toàn cầu là Bách khoa TP Hồ Chí Minh (2006), Đại học Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội (2007, 2008, 2009) và Đại học Khoa học tự nhiên – ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh (2008).
Ngoài ra, còn có các đội nước ngoài nhưng toàn sinh viên Việt Nam cũng có mặt trong Chung kết toàn cầu như Đại học Công nghệ Nayang (Singapore), Đại học Quốc gia Singapore. Nhiều sinh viên Việt Nam du học cũng có mặt trong các Đội tuyển thuộc Bắc Mỹ và Australia, Newzealand.
Qua 18 năm phong trào Olympic Tin học Sinh viên Việt Nam và 5 lần tham dự Chung kết toàn cầu kỳ thi ACM/ICPC nếu nhìn sinh viên CNTT là đối tượng chính của giáo dục Đại học thì trong lĩnh vực CNTT của các trường Đại học hàng đầu Việt Nam, các sinh viên CNTT Việt Nam đã hoàn thành sứ mệnh xếp hạng trong Top 100 các trường có đẳng cấp Quốc tế về CNTT trong bảng xếp hạng chính thức ACM/ICPC toàn cầu.
Hơn thế nữa tại bảng xếp hạng theo lãnh thổ cho lập trình, sinh viên Việt Nam cũng đang có thứ hạng 20 trong bảng tổng sắp TopCoder với gần 20.000 thành viên. Việt Nam cũng đã hai lần góp tên trong Chung kết Imagine CUP toàn cầu.
Tập đoàn FPT đã treo giải thưởng 150 triệu đồng cho đội Việt Nam nào ghi danh trong top 30 và 50 triệu đồng cho top 40 trong xếp hạng ACM/ICPC toàn cầu năm 2010.
Năm 2009, hy vọng rằng, 10 đội tuyển của Việt Nam, với quyết tâm và sự tự tin, sẽ đưa thứ hạng của Việt Nam lên Top 30 và 40 trong World Final ACM/ICPC 2010.
Kết quả chung cuộc của 10 đội như sau (tính theo số bài giải được, số phút giải):
Rank | Tên | Solved | Time | ACM/ICPC Certificate | Giải |
1 | Đại học Công nghệ ĐHQG Hà Nội – ACT | 8 | 956 | Champion | Vô địch |
2 | Đại học Ngoại Thương – FTU Knights 1 | 7 | 871 | First Prize | Giải Nhất |
3 | Đại học khoa học tự nhiên – ĐHQG Tp Hồ Chí Minh - HCMUS-Passion | 7 | 1085 | First Prize | Giải Nhất |
4 | Đại học Bách khoa Hà Nội - Alpha | 6 | 1110 | First Prize | Giải Nhất |
5 | Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh- BK_AC | 5 | 399 | Second Prize | Giải Nhì |
6 | Đại học FPT - BLUE FLAME | 5 | 433 | Second Prize | Giải Nhì |
7 | Đại học Bách khoa Tp Hồ Chí Minh- BK_Raptor | 5 | 499 | **Second Prize** | |
8 | Đại học FPT - JOSE MOURINHO | 5 | 556 | **Second Prize** | |
9 | Đại học FPT- FU- TOAD | 5 | 662 | **Second Prize** | |
10 | Đại học Bách khoa Đà Nẵng - J.4.F Pro | 5 | 673 | Second Prize | Giải Nhì |