Lắm thách thức, nhiều cơ hội!

Không phải bây giờ giới công nghệ thông tin và viễn thông mới quan tâm tới những thách thức cũng như cơ hội của chính họ khi Việt Nam gia nhập WTO. Nhưng dường như, vấn đề này đã "nóng" hơn tại Hội thảo với chủ đề "Công nghệ thông tin - truyền thông Việt Nam hội nhập WTO - cơ hội và thách thức" được tổ chức trong khuôn khổ Tuần lễ tin học Việt Nam IT WEEK 2006 diễn ra trong sáng 26/10.

Vấn đề là năng lực cạnh tranh của DN!

Trong bản báo cáo khá chi tiết được giới thiệu đầu tiên tại Hội thảo với tiêu đề "Gia nhập WTO - Một số suy nghĩ về cơ hội và thách thức đối với Viễn thông và CNTT Việt Nam" của Tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT&CNTT thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông đã cho hay, ba lĩnh vực hàng hoá CNTT, dịch vụ CNTT và dịch vụ Viễn thông sẽ mở ra khá nhiều cơ hội cho Việt Nam khi chúng ta gia nhập WTO. Hàng hoá CNTT và dịch vụ CNTT được dự đoán sẽ có điều kiện mở rộng thị trường của mình hơn, khả năng thu hút vốn đầu tư FDI của các quốc gia, các tập đoàn viễn thông lớn như Nhật Bản, Intel sẽ ngày càng nhiều hơn.

Tuy nhiên, bài toán đặt ra cho từng ấy cơ hội lại là vấn đề năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, Việt Nam còn thiếu hụt quá nhiều những nhân lực có trình độ quốc tế và đặc biệt là vấn đề bản quyền phần mềm. Mặc dù cũng đã phần nào có những tiến bộ, nếu như năm 2003, tình trạng vi phạm bản quyền phần mềm của Việt Nam ở mức 96%, năm 2004 là 92% và năm 2005 xuống mức 90% thì Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm cao nhất thế giới.

Trong lĩnh vực viễn thông, vào WTO, một trong số những quy định mà Việt Nam phải tuân thủ đó là phải có một cơ quan quản lý viễn thông độc lập. Bản tham chiếu các nội dung khi Việt Nam gia nhập WTO quy định: Cơ quan quản lý nhà nước phải độc lập, không gắn bó về quyền lợi với bất kỳ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông cơ bản nào. Các quyết định và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước phải công bằng đối với tất cả các doanh nghiệp. Theo Tiến sỹ Nguyễn Thành Phúc, yêu cầu về cơ quan quản lý Viễn thông độc lập liên quan tới hai vấn đề: Tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng khai thác, điều này sẽ đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước thể hiện rõ hơn tính công bằng, minh bạch. Bên cạnh đó cũng góp phần đảm bảo thực thi pháp luật có tính độc lập tương đối với chức năng lập chính sách: dự báo thành lập các bộ phận có tính độc lập tương đối trực thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông.

Với thị trường viễn thông Việt Nam hiện nay, vấn đề đảm bảo cạnh tranh là một thách thức rất lớn nhất là đối với các doanh nghiệp viễn thông. Họ đều là những doanh nghiệp viễn thông nhà nước đang có những đóng góp rất lớn cho ngân sách nhưng hầu hết đều đang đứng trước vấn đề năng suất lao động còn thấp, chưa hình thành được nhiều doanh nghiệp có tiềm lực mạnh, có khả năng đầu tư ra nước ngoài... Dù vậy, cơ hội dành cho các doanh nghiệp không phải không nhiều. Dự báo, giai đoạn 2007-2010, Việt Nam sẽ cần có khoảng 2,5 tỷ USD để tiếp tục đầu tư phát triển mạng viễn thông. Ở thời điểm này, Việt Nam mới chỉ đạt mức độ khoảng 27 thuê bao điện thoại/100 dân trong khi theo tính toán, thị trường chỉ bão hoà khi đạt ở mức 80 thuê bao/100 dân, do đó, cơ hội phát triển mạng lưới, thuê bao còn rất nhiều.

Đề cập tới vấn đề WTO với thương mại điện tử, ông Trần Thanh Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại điện tử của Bộ Thương mại cho biết lĩnh vực Thương mại điện tử (TMĐT) khi gia nhập WTO sẽ giải quyết, điều chỉnh ba lĩnh vực lớn đó là: hàng hoá, dịch vụ và sở hữu trí tuệ liên quan tới thương mại. Ông Hải đưa ra bốn cơ hội lớn: thứ nhất cạnh tranh sẽ buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tìm tới thương mại điện tử để tồn tại và vươn lên, từ đó cũng sẽ có khả năng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực TMĐT, rồi cơ hội lựa chọn phương thức kinh doanh, mua sắm cũng sẽ nhiều hơn. Cơ hội cuối cung được đề cập là nhiều khả năng cắt giảm chi phí, hợp lý hoá quy trình sản xuất. Nhưng dường như đứng trước chừng ấy cơ hội, thách thức lại cũng sẽ nặng nề hơn khi mà theo nhận định của ông Hải, một thế giới chưa phẳng với việc đòi hỏi cạnh tranh bình đẳng giữa những đối thủ không cân sức về cả kinh nghiệm, vốn và phương thức quản lý. Trong khi các doanh nghiệp Việt Nam tiến một bước thì các doanh nghiệp nước ngoài đã đi được bao chặng đường.

Doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị được gì?

Xác định cơ hội của doanh nghiệp mình khi gia nhập WTO, ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm Thông tin của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông đã dùng một hình ảnh khá sinh động để so sánh. Theo ông, gia nhập WTO, sẽ giúp cho các doanh nghiệp có thêm động lực như của một chiếc xe tăng để tháo gỡ các vật cản trước mắt, từ con đường mòn họ sẽ thẳng tiến ra con đường cao tốc rộng thênh thang. Tuy nhiên, ông Việt cũng cho rằng, hiện nay tính liên kết của các doanh nghiệp viễn thông với nhau còn rất kém. Để có thể cạnh tranh được với các đối thủ nước ngoài, nhất thiết phải có một sợi dây kết nối liên kết các doanh nghiệp tốt hơn nữa.

Đại diện của CMC Group Nguyễn Trung Chính cho biết là một công ty chuyên về lĩnh vực CNTT, CMC Group cũng đã nhận thức về 10 thách thức khi Việt Nam hội nhập ra sân chơi thế giới mà doanh nghiệp sẽ gặp phải. Ông thừa nhận, cũng như các doanh nghiệp khác, CMC hiện còn thiếu tính chiến lược trong hoạt động của mình, rồi nhân lực ít, vốn lại nhỏ. Bản thân là một doanh nghiệp CNTT nhưng năng lực cạnh tranh về công nghiệp, kỹ thuật và dịch vụ còn rất yếu. Ông Chính mong muốn Nhà nước hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp biết được những thách thức mà họ sẽ gặp phải, hiểu rõ hơn về chính bản thân mình để sớm có đủ năng lực cạnh tranh.

Ý kiến của ông Chính cũng là ý kiến của phần đông các doanh nghiệp cùng tham gia Hội thảo. Quả thực, thời gian không còn nhiều, cánh cửa vào WTO đã cận kề, đã "nóng" hơn bao giờ hết.

Thuỷ Nguyên

Thứ Bảy, 28/10/2006 08:44
31 👨 136
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Tổng hợp