Một hình ảnh mới từ Kính viễn vọng Không gian đắt giá nhất thế giới James Webb cho thấy cảnh tượng tuyệt đẹp và hùng vĩ: Tinh vân NGC 1514 – cách Trái đất 1.500 năm ánh sáng. Được mệnh danh "Tinh vân Quả cầu Pha lê", cấu trúc nổi bật của NGC 1514 được tạo ra từ quá trình hấp hối của một ngôi sao khổng lồ.
Kính viễn vọng Không gian James Webb đã chụp lại hình ảnh chi tiết chưa từng có về tinh vân này. Trước đó, vào năm 2010, nhà nghiên cứu Mike Ressler thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của NASA (JPL) từng quan sát NGC 1514 bằng hệ thống kính thiên văn WISE (Wide-field Infrared Survey Explorer). Giờ đây, nhờ thiết bị MIRI (Hồng ngoại Trung bình) tiên tiến của James Webb, ông tiếp tục phát hiện thêm các vòng mờ vốn chỉ xuất hiện rõ trong bước sóng hồng ngoại, cùng những khoảng trống chưa từng được biết đến gần trung tâm tinh vân.

Sở dĩ tinh vân NGC 1514 có hình dáng kỳ lạ do nó được tạo thành từ một cặp sao ở lõi. Một trong hai ngôi sao cạn kiệt nhiên liệu, phồng lên và phóng ra các lớp bụi, khí, để lại lõi nóng gọi là sao lùn trắng. Ngôi sao này giải phóng những luồng vật chất yếu nhưng di chuyển nhanh (gió sao), định hình vật chất xung quanh. Các nhà khoa học cho rằng vật chất bị đẩy thành hình đồng hồ cát với hai vòng sáng do ảnh hưởng từ ngôi sao còn lại trong cặp đôi.
Khi ngôi sao này ở đỉnh điểm của quá trình phân tán vật chất, ngôi sao đồng hành có thể đã tiến đến cực kỳ gần .Sự tương tác đó có thể tạo ra những hình dạng khó lường, chẳng hạn như hình dạng chiếc đồng hồ cát thay vì hình cầu như thông thường.
Phát hiện này không chỉ hé lộ vẻ đẹp của vũ trụ mà còn giúp giới thiên văn hiểu rõ hơn về cách các ngôi sao kết thúc vòng đời và tạo nên những kiệt tác không gian.