Nếu bạn đang trong độ tuổi 20 đầy mơ mộng và vừa có một ngày Valentine đáng nhớ, bạn đang nghĩ về tương lai lãng mạn của mình cùng người ấy, hãy cân nhắc về quy tắc 37% (37% Rule - một quy tắc mới được tái khám phá nhưng ứng dụng nhiều trong y khoa, khoa học, tìm nhân viên, thậm chí trong cả tình yêu khi lựa chọn bạn đời nữa).
Theo nhà báo Brian Christian và nhà khoa học nhận thức Tom Griffiths, đồng tác giả của cuốn sách nổi tiếng "Algorithms to Live By: The Computer Science of Human Decisions" (tạm dịch: "Thuật toán trong cuộc sống: Khoa học máy tính ảnh hưởng tới quyết định của con người như thế nào"), nếu bạn đang phân vân trong việc lựa chọn người bạn đời lý tưởng giữa rất nhiều đối tượng tiềm năng khác thì quy tắc này có thể giúp bạn tiết kiệm thời gian suy nghĩ về việc "nên lấy chồng khi nào".
Quy tắc 37% được hiểu cơ bản rằng khi phân vân giữa nhiều sự lựa chọn trong một khoảng thời gian giới hạn - về công việc, căn hộ mới hay đối tác lãng mạn tiềm năng nào đó chẳng hạn - khoảng thời gian tốt nhất để quyết định khi nào bạn nên sử dụng 37% các sự lựa chọn đó.
Tại thời điểm trong quá trình lựa chọn, bạn sẽ phải thu thập đầy đủ thông tin để đưa ra quyết định chính thức, nhưng nhớ rằng đừng lãng phí quá nhiều thời gian vào việc xem xét nhiều sự lựa chọn hơn mức cần thiết. Ở mức 37%, bạn đã tối đa hóa cơ hội của bản thân để có thể đưa ra quyết định lựa chọn tốt nhất rồi.
Quy tắc 37% lần đầu tiên được chứng minh bởi một nhà toán học vô danh ở thập niên 1960, với một thí nghiệm tư duy nổi tiếng có tên gọi là "The Secretary Problem - Bài toán thư ký".
Giả sử bạn là một nhà quản lý và đang cần tuyển một thư ký giỏi trong số n ứng cử viên. Giả thuyết đưa ra, bạn chỉ có thể phỏng vấn mỗi thư ký một lần theo thứ tự ngẫu nhiên và quyết định nhận hay không nhận phải đưa ra ngay sau khi phỏng vấn ứng viên đó. Nếu bạn từ chối một ứng cử viên nào đó thì bạn không có cơ hội gặp lại và thuê họ (bởi có thể họ đã được nhận vào làm một công việc khác). Trong quá trình phỏng vấn, bạn có thể xếp hạng các ứng viên đã được phỏng vấn nhưng tất nhiên là không được biết gì về chất lượng của ứng viên chưa được phỏng vấn. Câu hỏi đặt ra: "Phải sử dụng chiến thuật như thế nào để tối ưu hóa xác suất tuyển được ứng viên tốt nhất?".
Tác giả giải thích nếu bạn chỉ phỏng vấn 3 ứng viên, tốt nhất, bạn nên đợi đến khi phỏng vấn xong người thứ 2 mới đưa ra quyết định. Nếu cô ấy tốt hơn người đầu tiên, hãy thuê cô ấy. Còn nếu cô ấy không giỏi bằng người đầu tiên nên tiếp tục đợi đến người thứ 3. Tương tư như vậy, nếu bạn có 5 ứng viên, hãy đợi đến sau khi phỏng vấn người thứ 3, mới đưa ra quyết định.
Bên cạnh đó, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng quy tắc này vào chiến lược lựa chọn bạn đời, nếu bạn đang muốn tìm người yêu giữa độ tuổi 18 và 40, thì rõ ràng, thời gian tốt nhất để bạn quyết định chọn người chồng/hoặc vợ tương lai là khi vừa qua sinh nhật thứ 26 (bởi số tuổi nằm giữa 37% trong khoảng thời gian 22 năm là 8, bạn lấy mốc đầu là 18 cộng với 8 sẽ ra được 26). Nếu bạn lập gia đình trước độ tuổi đó, có thể bạn sẽ bỏ lỡ các đối tác chất lượng hơn; nhưng sau đó, các lựa chọn tốt thường không còn và cơ hội tìm thấy người bạn đời lý tưởng sẽ giảm dần đi.
Theo ngôn ngữ toán học, việc tìm kiếm một người hẹn hò tiềm năng được biết đến như thuyết dừng tối ưu. Christian và Griffiths có giải thích thêm, ví dụ nếu bạn có 1.000 sự lựa chọn bạn cũng nên chấm ai đó ở khoảng là 36,81%. Còn nếu khoảng lựa chọn lớn hơn, bạn có thể chọn chính xác là 37%. Các nghiên cứu về hôn nhân thành công cho thấy rằng độ tuổi đẹp nhất để kết hôn chính là 26 tuổi.
Vào tháng 7 năm 2015, nhà xã hội học Nicholas H.Wolfinger của trường Đại học Utah đã khám phá ra rằng: "Nếu kết hôn trong độ tuổi từ 28 đến 32 thì tỷ lệ ly hôn là thấp nhất. Khoảng này dường như không chính xác so với kết luận trên, nếu tính theo quy tắc trên 28 tuổi sẽ là 45% nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta thường phải đưa ra quyết định lựa chọn bạn đời trước khi thực sự kết hôn". Nicholas Wolfinger phân tích thêm rằng, nếu bạn kết hôn sau năm 32 tuổi, cứ thêm một năm đồng nghĩa với việc khả năng ly dị của bạn tăng lên 5%.
Tuy nhiên, quy tắc 37% không phải là một quy tắc hoàn hảo, bởi nó được vay mượn từ một công thức toán học cứng nhắc. Nó được cho rằng mọi người có một sự hiểu biết rõ ràng về những gì họ muốn khi ở độ tuổi 26, nhưng chưa kể đến thực tế là những gì mà chúng ta tìm kiếm ở đối tác có thể thay đổi đáng kể trong độ tuổi từ 18 đến 40. Bên cạnh đó, trong cuộc sống con người bị rất nhiều thứ khách quan tác động, khó mà điều khiển được theo ý mình.
Nói tóm lại, quy tắc 37% nói lên rằng: 26 là độ tuổi mà khi chúng ta hẹn hò, hầu hết đều đáng tin cậy - đó là thời điểm mà chúng ta có thể dừng tìm kiếm và bắt đầu xây dựng gia đình, bước vào một thời kỳ phát triển mới của bản thân.
Tham khảo thêm một số bài viết:
- Khoa học chứng minh: 9 lời khuyên giúp não bộ khỏe mạnh và hạnh phúc
- Khoa học chứng minh: Phụ nữ hoạt động não nhiều hơn nam giới, vì thế họ cần ngủ nhiều hơn!
- Phát hiện khoa học mới: Chạy bộ có thể không tốt cho sức khỏe
Chúc các bạn vui vẻ!