Tín hiệu ‘người ngoài hành tinh' mà Trung Quốc thu được có thể chỉ là nhiễu sóng vô tuyến

Cách đây vài ngày, nhật báo Khoa học và Công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc) đã đăng tải một thông tin gây sốc khi cho biết kính viễn vọng không gian Sky Eye của nước này có thể đã phát hiện dấu hiệu của nền văn minh ngoài trái đất. Đáng chú chú ý, tín hiệu sóng điện từ phổ hẹp do Sky Eye thu thập lần này khác hoàn toàn những dữ liệu được ghi nhận trước đó.

Thông tin trong bài báo dẫn lời Zhang Tonjie, nhà khoa học đứng đầu Viện Tìm kiếm Trí thông minh ngoài Trái Đất (SETI), một tổ chức đa quốc gia được thành lập bởi Đại học Sư phạm Bắc Kinh, Đài quan sát thiên văn quốc gia Trung Quốc và Đại học California, Berkeley (Mỹ). Tín hiệu của “nền văn minh từ không gian” thu được bởi Kính viễn vọng vô tuyến hình cầu khẩu độ 500m (FAST) của Trung Quốc , còn được biết đến với tên gọi Thiên Nhãn (Sky Eye). Kính thiên văn này bắt đầu chương trình tìm kiếm dấu hiệu người ngoài hành tinh từ tháng 9/2020.

Kính thiên văn Sky Eye
Kính thiên văn Sky Eye

Phát hiện “giật gân” của SETI cũng đã ngay lập tức nhận được sự quan tâm lớn từ giới nghiên cứu thiên văn toàn cầu, trong đó có không ít ý kiến trái chiều. Nhận được nhiều quan điểm đồng tình hơn cả là nhận định của nhà vật lý học người Mỹ Dan Werthimer, cũng là một thành viên thuộc SETI.

Cụ thể, Werthimer tin rằng các tín hiệu “người ngoài hành tinh” mà Sky Eye thu được trên thực tế là “do nhiễu sóng vô tuyến [của con người] chứ không phải từ bên ngoài trái đất”. Những tín hiệu này trên thực tế là nhiễu tần số vô tuyến (RFI), gây ra bởi nhiễu điện từ từ hoạt động sống của con người trên chính Trái đất. RFI có thể đến từ điện thoại di động, sóng vô tuyến, radar, vệ tinh…

Một hệ thống kính thiên văn khổng lồ và hiện đại như FAST vốn cực kỳ nhạy cảm với tín hiệu vô tuyến từ các điểm khác nhau trên bầu trời. Trên thực tế, nó được sử dụng để nghiên cứu SETI nền văn minh ngoài trái đất bằng cách tìm kiếm các “cấu trúc công nghệ”, là những tín hiệu được tạo ra bởi công nghệ của các nền văn minh xa xôi.

FAST xem xét một lượng lớn dữ liệu để tìm kiếm bằng chứng về cấu trúc công nghệ, nhưng có những khó khăn do nó quá “nhạy cảm”. Nhà nghiên cứu Danny Price của Đại học Curtin, một thành viên của SETI, giải thích rằng vì FAST rất nhạy, nó sẽ thu tín hiệu từ nhiều nguồn và dễ bị phát hiện nhiễu sóng vô tuyến. Trường hợp vừa được nhật báo Khoa học và Công nghệ Trung Quốc công bố có thể là một tình huống như vậy.

Tín hiệu do FAST phát hiện mới đây được quan tâm đặc biệt vì nó nằm trong dải tần hẹp, vốn rất hiếm khi bắt nguồn tự nhiên từ Trái đất. Tuy nhiên, bởi vì có rất nhiều tín hiệu vô tuyến được phát đi trên Trái đất nên rất khó để "gạn lọc" tất cả và sự nhầm lẫn là hoàn toàn có thể xảy ra. Chúng là những tín hiệu rất yếu, nhưng bộ thu trên kính thiên văn FAST lại siêu nhạy và có thể đó là nguyên nhân gây nhầm lẫn.

“Tình trạng ô nhiễm vô tuyến đang trở nên tồi tệ hơn khi ngày càng có nhiều máy phát và vệ tinh được chế tạo”, Werthimer cho biết.

Trong tương lai, con người có lẽ sẽ phải đi tới khi vực phía xa của Mặt trăng để tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất, bởi ở vị trí này, các hệ thống kính viễn vọng siêu nhạy mới được bảo vệ khỏi sự ô nhiễm vô tuyến của Trái đất.

Chủ Nhật, 19/06/2022 13:20
53 👨 739
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ