Tìm thấy hành tinh nóng đến mức có thể khiến sắt bay hơi

Vệ tinh thiên văn CHEOPS (Characterising Exoplanet Satellite) của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) được phóng vào không gian tháng 12 năm ngoái, vừa gửi về trái đất loạt thông tin quan trọng và chi tiết về một ngoại hành tinh vô cũng đặc biệt: Một trong những hành tinh nóng nhất từng được nghiên cứu, nơi ngay cả những kim loại như sắt cũng sẽ nhanh chóng bị nung chảy sau đó biến thành khí.

Được đặt tên WASP-189b, ngoại hành tinh này hiện đang quay quanh ngôi sao chủ có tên HD 133112 - cũng là một trong những ngôi sao nóng nhất từng được biết đến - cách Trái Đất chỉ 322 năm ánh sáng trong chòm sao Libra. WASP-189b được xếp vào dạng “Sao Mộc cực nóng” (ultra-hot Jupiter) bởi nó là một hành tinh khí sở hữu kích thước khổng lồ tương tự như Sao Mộc (hành tinh lớn nhất trong Hệ Mặt Trời) và mà mang trên mình nhiệt độ bề mặt cao đáng sợ. Tuy nhiên, WASP-189b lại nặng gấp rưỡi sao Mộc và chỉ mất 3 ngày để quay quanh ngôi sao chủ của mình. Ngoài ra, sao chủ của WASP-189b cũng lớn hơn đáng kể và nóng hơn Mặt Trời của chúng ta tới 2.000 độ C. Vì quá nóng, bề mặt của ngôi sao này đã chuyển sang màu xanh lam thay vì màu trắng vàng như Mặt Trời.

Mô phỏng WASP-189b quay quanh ngôi sao chủ của nó
Mô phỏng WASP-189b quay quanh ngôi sao chủ của nó

Theo nhận định của các nhà khoa học, chỉ có vài hành tinh tồn tại quanh ngôi sao nóng như vậy, và hệ sao này sáng nhất trong số đó. WASP-189b cũng là sao Mộc nóng sáng nhất mà các nhà nghiên cứu có thể quan sát nó di chuyển qua phía trước hoặc sau ngôi sao chủ. Bằng cách đo đạc và phân tích độ sáng của hệ sao khi nó trượt ra khỏi tầm nhìn trong thời gian ngắn, vệ tinh CHEOPS đã xác định được nhiệt độ của hành tinh này rơi vào khoảng 3.200 độ C - đủ để hóa lỏng và làm kim loại bay hơi.

Bên cạnh nhiệt độ bề mặt cực cao, WASP-189b còn mang trên mình một loạt đặc điểm thú vị khác. Chẳng hạn, đo quay ở quỹ đạo rất gần quanh ngôi sao chủ, hành tinh này luôn phải chịu một lực hấp dẫn cực lớn tác động trực tiếp. Điều này khiến WASP-189b không thể tự xoay tròn và do đó sẽ luôn có một mặt đối diện với ngôi sao chủ. Đặc điểm dị biệt trên dẫn đến các điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt và phân hóa rõ rệt ở hai nửa hành tinh. Ngoài ra, WASP-189b cũng không tròn hoàn hảo. Phần xích đạo của hành tinh phình to hơn và mát hơn so với ở các cực, đổi lại các cực của ngôi sao trông sáng hơn. Đặc điểm này chỉ ra rằng quỹ đạo của WASP-189b là nghiêng, nó không di chuyển quanh đường xích đạo mà đi gần các cực của ngôi sao.

Quỹ đạo nghiêng của WASP-189b cũng là yếu tố được quan tâm đặc biệt vì nó cho thấy rằng tại một thời điểm nào đó trong quá khứ, hành tinh này đã bị ảnh hưởng bởi các hành tinh khác hoặc một ngôi sao khác, khiến nó bị đẩy nó vào vị trí gần với ngôi sao chủ hiện tại hơn. Điều này có thể giúp làm sáng tỏ bí ẩn về cách thức hình thành của những hành tinh khí khổng lồ cực nóng trong vũ trụ.

Thứ Bảy, 21/11/2020 09:15
33 👨 397
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ