Biến đổi khí hậu đang gây ra những hình thái thời tiết cực đoan chưa từng có trong lịch sử loài người, và khiến thế giới tự nhiên đang trở nên ngày càng khắc nghiệt hơn. Tuy nhiên, tình hình khí hậu trên Trái đất đù có tệ thêm hàng chục lần so với thời điểm hiện tại thì vẫn chưa là gì nếu so sánh với K2-141b - một hành tinh địa ngục theo đúng nghĩa đen mà con người từng phát hiện ra.
Một nghiên cứu mới được thực hiện gần đây đã tiết lộ rằng K2-141b mang trên mình nhiệt độ cao đến nỗi có thể “nung chảy” đất đá và toàn bộ bề mặt hành tinh luôn trong trạng thái bị “vùi dập” bởi những cơn gió siêu nóng thổi với vận tốc 3.000 dặm một giờ, tương đương 4.828km/h. Làm một so sánh nhỏ, Bão Haiyan (Hải Yến), một trong những xoáy thuận nhiệt đới mạnh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, mới “chỉ” có sức gió tối đa 315 km/h (duy trì liên tục trong 1 phút).
Đi sâu hơn vào nghiên cứu. Các nhà thiên văn học đến từ Đại học McGill (Canada) đã sử dụng dữ liệu thu được từ các hệ thống kính viễn vọng và mô hình máy tính để xác định những điều kiện có thể xảy ra trên K2-141b, một hành tinh có kích thước gần bằng Trái đất và quay quanh ngôi sao lùn màu cam giống như mặt trời của nó ở khoảng cách rất gần. Tương tự Trái đất, K2-141b có bề mặt, đại dương và khí quyển.Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ cả ba yếu tố này đều được làm từ cùng một loại vật liệu: Đá.
Do K2-141b quay ở quỹ đạo rất gần quanh ngôi sao chủ, hành tinh này luôn phải chịu một lực hấp dẫn cực lớn tác động trực tiếp. Điều này khiến K2-141b không thể tự xoay tròn như Trái đất và do đó sẽ luôn có một mặt đối diện với ngôi sao chủ. Đặc điểm dị biệt này dẫn đến các điều kiện khí hậu vô cùng khắc nghiệt và phân hóa rõ rệt ở hai nửa hành tinh. Trong đó, nửa đối diện với ngôi sao chủ (nửa ban ngày) ước tính có nhiệt độ bề mặt là 3.000 độ C, đủ nóng để làm tan chảy đá, trong khi bên đối diện (nửa ban đêm) lại vô cùng lạnh lẽo, với nhiệt độ luôn được duy trì ở mức -200 độ C.
Nhiệt độ cực cao ở phần ban ngày khiến natri, silicon monoxide và silicon dioxide tạo thành đá trên bề mặt của hành tinh bị bay hơi vào khí quyển trước khi ngưng tụ và rơi trở lại bề mặt dưới dạng mưa, giống như những gì xảy ra với nước trên trái đất. Sau đó, một phần của hơi khoáng chất được mang đến nửa ban đêm của hành tinh bởi những cơn gió cực mạnh, nhanh chóng nguội đi và tạo thành những cơn “mưa khoáng chất" xuống đại dương mắc-ma phía dưới.
Nghiên cứu sâu hơn về các đặc điểm khí hậu của K2-141b có thể đưa ra manh mối quan trọng về nguồn gốc của các hành tinh đá, bao gồm cả Trái đất, với khởi đầu là một thế giới nóng chảy nhưng sau đó nhanh chóng nguội đi và đông đặc lại. Các hành tinh dung nham hoàn toàn có thể mang đến cho chúng ta một cái nhìn hiếm hoi về giai đoạn tiến hóa quan trọng này.
Những phát hiện đáng kinh ngạc nêu trên không chủ bổ sung thêm vào kho tàng hiểu biết của nhân loại những kiến thức mới mẻ về vũ trụ, mà còn cho thấy tiềm năng rất lớn của các công cụ thiện văn tiên tiến trong các sứ mệnh khám phá không gian phức tạp.