Phi hành gia chụp được cảnh thiên thạch phát nổ trong bầu khí quyển Trái Đất

Bên cạnh nhiệm vụ thường nhật là thực hiện hàng loạt thí nghiệm khoa học trong điều kiện vi trọng lực mỗi ngày, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đôi khi cũng dành thời gian để ngắm nhìn quang cảnh từ những góc view “triệu đô” như một hình thức xả stress hiệu quả.

Phi hành gia NASA Matthew Dominick mới đây đã chia sẻ một hình ảnh cực kỳ hiểm có mà anh tình cờ chụp được khi ngắm cảnh trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS). Đó là một vụ va chạm cực mạnh diễn ra trên Trái đất, nhưng không phải chiến tranh hay bất kỳ nỗi kinh hoàng nào do con người tạo ra, mà là khoảnh một thiên thạch phát nổ khi va vào bầu khí quyển của hành tinh.

Tia sáng màu xanh lục nhạt ngay phía trên bầu trời lưu vực Sông Nile này được cho là một loại sao băng cực sáng xảy ra khi một mảnh tiểu hành tinh đá hoặc sao chổi băng giá xâm nhập vào bầu khí quyển của Trái Đất và bị đốt cháy, tạo ra nguồn sáng rực rỡ. Dominick đã chụp được sự kiện này một cách hoàn toàn tình cờ khi ISS bay qua khu vực Bắc Phi vào ngày 2 tháng 9 vừa qua.

Hiện tại đang là thời điểm tương tác bận rộn giữa Trái đất và các tiểu hành tinh. Ngày 4 tháng 9, một tiểu hành tinh được theo dõi với mã định danh 2024 RW1 cũng đã được quan sát thấy như một quả cầu lửa màu xanh lá cây sáng chói từ bề mặt Trái đất, khi nó bốc cháy dữ dội trên bầu trời Philippines. May mắn thay, không có ai bị thương, cũng như không có thiệt hại nào về cơ sở vật chất được báo cáo.

Sự kiện ở Philippines là một trong số ít trường hợp tiểu hành tinh được xác định trước khi nó va vào Trái đất. Các nhà thiên văn học đã phát hiện ra vật thể này khoảng 8 giờ trước khi nó va vào bầu khí quyển, cho phép họ chuẩn bị kế hoạch quan sát từ trước thời điểm va chạm xảy ra. Với công nghệ quan sát tiểu hành tinh ngày càng tinh vi, các nhà quan sát không gian hiện có khả năng cao hơn trong việc dự đoán tác động của các vật thể trôi nổi ngoài không gian trước khi chúng chính thức va chạm với Trái đất.

Thứ Tư, 11/09/2024 12:50
31 👨 100
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ