Trái Đất có thể đang bị đe dọa bởi một thiên thạch khổng lồ nặng 40 triệu tấn, nếu va chạm xảy ra sức công phá của nó tương đương 65.000 quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống Hiroshima, Nhật Bản. Đây là dự đoán của một nhà thiên văn học hàng đầu thế giới khiến nhiều người không khỏi sợ hãi.
- 6 khối thiên thạch lớn nhất được phát hiện trên bề mặt Trái Đất
- Nếu phát hiện thiên thạch chuẩn bị đâm vào Trái Đất NASA sẽ xử lý như thế nào?
Thiên thạch khổng lồ có tên Apophis dài 370 mét, được Đài quan sát Kitt Peak ở Arizona, Mỹ phát hiện vào năm 2004. Theo tính toán của các nhà khoa học, nó sẽ bay sát Trái đất vào năm 2029 trước khi quay trở lại vào năm 2036.
Alberto Cellino đến từ Đài quan sát ở Turin, Italy tin rằng đó có thể là thời điểm va chạm xảy ra và khả năng nó đâm vào Trái đất năm 2029 là 2,7%.
Nhưng việc bay sát Trái Đất ở khoảng cách 30.000km khiến quỹ đạo thiên thạch có thể bị biến đổi bởi lực hút, làm gia tăng khả năng va chạm khi nó quay trở lại.
Với một Thiên thạch khổng lồ như Apophis, khi va chạm với Trái Đất nó có thể tạo ra hố sâu 518 mét, rộng 2km. Sức công phá của vụ va chạm này cực kỳ khủng khiếp, tương đương 880 triệu tấn thuốc nổ TNT hoặc 65.000 quả bom nguyên tử Mỹ từng ném xuống Hiroshima, Nhật Bản.
Hiện nay, các chuyên gia đến từ trường Đại học MIT của Mỹ đang phát triển loại robot làm nhiệm vụ giám sát thiên thạch khổng lồ này. Nếu trường hợp tồi tệ nhất xảy ra, chúng ta có thể sẽ phải tìm cách làm thay đổi quỹ đạo thiên thạch.
Theo Cellino, thời điểm mà nhân loại có thể bị thiên thạch này đe dọa là vào ngày 13.4.2036.
Nga và Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao thiên thạch này. Vào năm 2011, các nhà nghiên cứu tại trường Đại học Tsinghua từng đề xuất giải pháp phóng tàu vũ trụ để can thiệp vào quỹ đạo của Apophis.
Năm ngoái, Nga lên kế hoạch phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM - tên lửa đạn đạo có tầm bắn xa (hơn 5.500 km), được chế tạo để mang nhiều đầu đạn hạt nhân một lúc) để phá hủy các thiên thạch đến gần Trái đất, trong đó có cả Apophis.