Mưa đá là gì? Tại sao có hiện tượng mưa đá? Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để hiểu hơn về hiện tượng thời tiết này nhé.
Mưa đá là gì?
Mưa đá là hiện tượng mưa dưới dạng hạt hoặc cục băng có hình dạng và kích thước khác nhau, có thể từ 5mm đến hàng chục cm. Những hạt mưa đá thường rơi xuống cùng với mưa rào và thường có dạng hình cầu không cân đối.
Tại sao xảy ra mưa đá?
Mưa đá thường xảy ra vào mùa hè, hình thành trong điều kiện hiện tượng đối lưu khí quyển và mây giông diễn ra mạnh mẽ.
Mưa đá thường xảy ra ở các vùng núi, khu vực giáp biển hoặc giáp núi. Tại Việt Nam, mưa đá có thể xảy ra ở khắp các vùng miền.
Cơ chế hình thành mưa đá, các bạn có thể theo dõi trong video dưới đây.
Mưa đá rơi với vận tốc rất lớn trong khí quyển. Kích thước càng lớn, trọng lượng càng nặng thì vận tốc rơi của hạt mưa đá càng cao. Vận tốc trung bình của hạt mưa đá dao động trong khoảng 30 - 60m/s, thậm chí có thể tới 90m/s. Với vận tốc lớn như vậy, hạt mưa đá rơi xuống có thể gây thiệt hại nặng nề cho cây cối, rau màu, thậm chí có thể khiến các mái nhà bằng tôn bị hư hỏng nặng.
Nhận biết hiện tượng mưa đá sắp xảy ra
Chúng ta có thể nhận biết mưa đá sắp xảy ra dựa vào một số đặc điểm của thời tiết như:
Ban ngày có giông mạnh tạo ra tiếng "ù ù, ầm ầm" liên tục, mây đen che kín trên bầu trời, có dạng như bầu vú, nhiệt độ không khí như lạnh đi rất nhanh. Ban đêm có sấm sét, gió đang thổi đều bỗng lặng đi, trời lạnh đột ngột...
Nếu xuất hiện lắc rắc vài hạt mưa rào cùng với các hiện tượng trên, rất có thể mưa đá sẽ xảy ra, mọi người cần tìm cho mình chỗ nấp an toàn ngay.