Phát hiện vụ nổ vũ trụ lớn nhất trong lịch sử, tạo ra nguồn sáng gấp 2 nghìn tỷ lần Mặt trời

Các nhà khoa học quốc tế vừa ghi nhận một vụ nổ vũ trụ lớn chưa từng thấy, đến mức nguồn sáng phát ra áp đảo một sự kiện siêu tân tinh (vụ nổ xảy ra khi một ngôi sao lớn sắp kết thúc vòng đời), đồng thời cũng diễn ra trong khoảng thời gian lâu hơn rất nhiều (vài năm so với vài tháng).

Theo nhận định ban đầu của giới nghiên cứu thiên văn, vụ nổ có thể bắt nguồn từ sự kiện hiếm gặp khi một đám mây khí khổng lồ bị nuốt chửng bởi hố đen cũng có kích thước siêu lớn, tạo ra nguồn sáng mạnh gấp 2 nghìn tỷ lần Mặt trời và gấp 10 lần so với bất kỳ siêu tân tinh nào đã biết.

Có tên gọi AT2021lwx, vụ nổ này được cho là diễn ra ở một vị trí cách Trái đất khoảng 8 tỷ năm ánh sáng, và đã kéo dài hơn 3 năm cho đến nay. Tiến sĩ Wiseman, nhà thiên văn học tại Đại học Southampton, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết: “Quả cầu lửa (vụ nổ) này có kích thước gấp 100 lần hệ mặt trời và sáng gấp 2 nghìn tỷ lần Mặt trời. Trong ba năm, năng lượng được giải phóng trong vụ nổ ước tính nhiều hơn 100 lần mức năng lượng mà Mặt trời tạo ra trong vòng đời một tỷ năm".

AT2021lwx

AT2021lwx tình cờ được phát hiện khi thuật toán tìm kiếm của các nhà khoa học tại Đại học Southampton đã vô tình đánh dấu nó khi đang tìm kiếm một loại siêu tân tinh. Thông thường, hầu hết các siêu tân tinh và sự kiện gián đoạn thủy triều chỉ tồn tại trong vài tháng trước khi biến mất. Đối với một vụ nổ sáng trong hơn hai năm, đó là điều sự bất thường, và các nhà khoa học đã nhanh chóng phát hiện ra điều đó.

Trên thực tế, vụ nổ được phát hiện lần đầu tiên vào năm 2020 bởi một đài quan sát đặt tại California, thông qua sự gia tăng đột ngột về độ sáng của bầu trời đêm. Điều này có thể báo hiệu việc phát hiện ra siêu tân tinh hoặc sự di chuyển của các tiểu hành tinh và sao chổi ở khoảng cách gần.

Sau hàng loạt các quan sát bổ sung, nhóm nghiên cứu đã đi đến kết luận đây là một phát hiện cực kỳ hiếm, mang tính lịch sử. Nguyên nhân của vụ nổ hiện vẫn chưa rõ ràng, nhưng các nhà thiên văn học cho rằng rất có thể đó là kết quả của việc một đám mây khí hydro khổng lồ lớn hơn mặt trời của chúng ta hàng nghìn lần bị một hố đen siêu nặng nuốt chửng. Đám mây khí này ban đầu quay quanh hố đen một cách an toàn nhưng, vì một lý do nào đó đã đi lệch hướng và bị hút vào.

Để hiểu thêm về vụ nổ, các nhà nghiên cứu dự định quan sát nó ở các bước sóng khác nhau như tia X. Sẽ có thêm rất nhiều kiến thức thiên văn đáng giá được khám phá đằng sau sự kiện này.

Thứ Sáu, 26/05/2023 15:47
51 👨 794
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ