Những cơn bão lớn đi qua Hà Nội trong quá khứ

Theo một số tài liệu ghi nhận, từ những năm 1880 cho đến cuối thập niên 1910, có 3 cơn bão lớn quét qua Hà Nội và gây thiệt hại nặng nề cho thành phố.

Theo thống kê ban đầu nhưng tương đối chính xác, kể từ khi Hà Nội chưa chính thức trở thành “Thủ đô của Liên bang Đông Dương” cho đến hết thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, có 3 cơn bão lớn quét qua Hà Nội[1].

Cơn bão đầu tiên tràn qua Hà Nội là cơn bão lớn vào đêm ngày 5, rạng ngày 6-10-1881. Cơn bão này đã cuốn phăng nhiều ngôi nhà, cây cối trong khu Nhượng địa Pháp (nay là phố Phạm Ngũ Lão). Theo ước tính, cơn bão đã gây thiệt hại khoảng 7.000 đến 8.000 frs Pháp[2].

Chưa dừng lại ở đó, trận lũ xảy ra ở Hà Nội vào năm 1884 đã cuốn trôi bờ đất của khu Nhượng địa một khoảng rộng 60 mét và dài 3 kilômét. Khu Nhượng địa được xây dựng ở phía Đông Nam thành phố, ngay giáp bờ sông Hồng, trong lịch sử từng nhiều lần bị ngập lụt hoặc nước lũ tàn phá[3].

Một năm sau, trận lũ năm 1885 tiếp tục cuốn trôi một mảng khoảng vài ngàn mét khối đất của khu Nhượng địa. Các tòa nhà công sở gồm tòa Tổng Trú sứ, dinh Tổng Tư lệnh, Văn phòng Bộ Tổng Tham mưu... gần như bị đổ ụp xuống sông Hồng[4].

Đền và tượng vua Lê trước cơn bão tháng 7-1902. Ảnh của Edgard Imberd.
Đền và tượng vua Lê trước cơn bão tháng 7-1902. Ảnh của Edgard Imberd.

- Cơn bão thứ hai quét qua Hà Nội vào tháng 7-1902 làm đền và tượng vua Lê ở góc phố Beauchamps (phố Lê Thái Tổ) và phố Jules Ferry (phố Hàng Trống) bị hư hỏng nặng. Để khắc phục hậu quả do bão, Đốc lý Hà Nội đã được nhận 250 đồng bạc Đông Dương (trong chương XI, điều 6, khoản 1 và 2 thuộc ngân sách Bắc Kỳ) để tôn tạo tượng vua Lê[5].

Quanh Hồ Gươm sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.
Quanh Hồ Gươm sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.

- Cơn bão thứ ba xảy ra vào cuối tháng 6-1903 cũng là một cơn bão lớn mà báo chí đương thời dùng từ “trận bão” để mô tả. Không chỉ Bệnh viện De Lanessan bị hư hại nặng mà trận bão 1903 còn hủy hoại một số công trình khác ở Hà Nội như Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Bệnh viện De Lanessence sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.
Bệnh viện De Lanessence sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.

Tháng 5-1904, Hoàng Cao Khải (Kinh lược Bắc Kỳ lúc đó đã nghỉ hưu) gửi thư cho Thống sứ Bắc Kỳ xin cấp kinh phí để khắc phục thiệt hại do bão gây ra đối với Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hai năm sau bão, tức năm 1905, Đốc lý Hà Nội đã được nhận 3.000 đồng trong ngân sách địa phương để khắc phục thiệt hại tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và 700 đồng cho việc sửa sang lại đồ thờ cúng của Văn Miếu[6].

Quảng trường Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.
Quảng trường Paul Bert (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) sau cơn bão tháng 6-1903. Ảnh sưu tầm.

Ngày nay, do khí hậu biến đổi nhiều trên phạm vi toàn cầu, việc bão lớn xảy ra và quét qua Hà Nội là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, với tinh thần chủ động phòng ngừa, ứng phó với mưa bão, thiên tai ở mức cao nhất, Nhà nước và nhân dân ta đã hạn chế đáng kể thiệt hại về tính mạng và tài sản.

[1] Không kể những cơn bão nhỏ không gây thiệt hại về người và vật chất.
[2] André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929, p. 101.
[3] André Masson, Hanoï pendant la période héroïque (1873-1888), Paris, 1929, p. 107.
[4] Phạm Xuân Hằng - Phan Phương Thảo (Đồng chủ biên), Biên niên lịch sử Thăng Long - Hà Nội, Nxb. Hà Nội, 2010, tr. 367.
[5] RST, hs: 26842. Réparation du monument du roi Lê situé à l’Avenue Beauchamps à Hanoï 1902.
[6] RST, hs: 56737. Réparation apportées au Van Mieu (pagode des Corbeaux) Hanoï 1904-1905.

Tham khảo: https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/nhung-con-bao-lon-di-qua-ha-noi-trong-qua-khu.htm

Thứ Hai, 09/09/2024 11:59
31 👨 154
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học