Albert Einstein qua đời vào ngày 18/4/1955 do vỡ động mạch chủ. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, nhà vật lý Albert Einstein đã thì thầm một vài từ tiếng Đức. Nhưng do y tá tại bệnh viện Princeton không hiểu được tiếng Đức nên những lời trăng trối của Einstein đã mất đi mãi mãi.
- Albert Einstein đánh đổi hạnh phúc để trở thành thiên tài thế giới!
- Tiết lộ công thức giải quyết vấn đề của Einstein
- Bao nhiêu người có thể giải được câu đố "Ai là người nuôi cá?" của Einstein
Trước khi qua đời, Einstein mong muốn thi thể của ông được hỏa táng và được rải xuống một nơi bí mật. Thế nhưng trong quá trình khám nghiệm tử thi bộ não của ông lại bị Thomas Harvey, một bác sĩ đã lưu lại.
Thomas Harvey đã thuyết phục được Hans Albert con trai của Einstein đồng ý cho phép ông ta thực hiện nghiên cứu trên bộ não của Einstein nhằm làm sáng tỏ bí mật của thiên tài, một trong những bí ẩn lớn nhất của tự nhiên.
Harvey đã cân bộ não của Einstein, nó có trọng lượng 1,22 kilograms, không hề lớn hơn so với bất kỳ người nào khác có cùng độ tuổi.
Mô tả phần vỏ não Albert Einstein.
Sau khi chụp lại những hình ảnh về bộ não, Harvey đã cắt nó ra thành 240 mảnh nhỏ và bảo quản trong Celloidin, 1 loại hóa chất phổ biến trong kỹ thuật bảo quản và nghiên cứu não bộ. Harvey đã gửi những mẩu nhỏ của bộ não tới tổ chức nghiên cứu giải phẫu tốt nhất lúc bấy giờ trên thế giới để cùng nghiên cứu bộ não.
Một khoảng thời gian dài sau đó, kết quả nghiên cứu vẫn không có gì tiến triển, bộ não của Einstein có kích thước bình thường và số lượng tế bào não có kích thước trung bình giống nhiều người khác.
Năm 1985, tiến sĩ Marian Diamond, đến từ Đại học California, Mỹ, sau khi nghiên cứu phần não của Einstein bà nhận thấy được điểm khác biệt: bộ não của Einstein có tỷ lệ các tế bào thần kinh đệm nhiều hơn so với các bộ não khác.
Tế bào thần kinh đệm cố định nơ-ron thần kinh, giúp cung cấp nhiều oxy và dinh dưỡng hơn. Diamond đưa ra giả thuyết rằng do nhu cầu trao đổi chất của các nơ ron thần kinh trong não Einstein lớn dẫn đến số lượng tế bào thần kinh đệm tăng lên để dọn dẹp “rác thải ra” trong quá trình suy nghĩ liên tục của thiên tài.
Nhưng kết luận của tiến sĩ Diamond nhanh chóng bị các nhà khoa học khác phản bác và không được công nhận do không có căn cứ.
Những giây phút cuối đời của Albert Einstein.
Năm 1996, Britt Anderson một nhà nghiên cứu tại Đại học Alabama, Mỹ, công bố một nghiên cứu về vỏ não trước của Einstein. Ông phát hiện rằng số lượng nơ-ron không khác biệt so với với não bình thường, nhưng chúng được xếp gần nhau hơn, do đó xử lý thông tin nhanh chóng hơn.
Tiến sĩ Sandra Witelson của Đại học McMaster, Canada, người nổi tiếng với nhiều công trình nghiên cứu liên quan tới não bộ cũng đã được đề nghị nghiên cứu não của Einstein. Sau ba năm nghiên cứu, bà nhận thấy tiểu thùy đỉnh dưới, phần não liên quan đến nhận thức không gian và tính toán của Einstein rộng hơn 15% so với người bình thường và tích hợp tốt hơn. Và Witelson cho rằng chính cấu trúc não đặc biệt này là nguyên nhân khiến Einstein bị mắc chứng nói lắp.
Do thời điểm đó, các nhà khoa học chưa hiểu được bộ não làm việc như thế nào và chưa tìm được bộ não tương tự như của Einstein nên không thể kiểm chứng được độ chính xác trong nghiên cứu của tiến sĩ Witelson.
Năm 1998, Thomas Harvey đã trao 170 phần não của Einstein cho một cộng sự cũ của mình tại Đại học Y Trung tâm Princeton, bác sĩ Elliot Kraus. Năm 2007, Thomas Harvey qua đời ở tuổi 94 mà vẫn chưa thể giải đáp những bí ẩn xoay quanh bộ não của Einstein sau 40 năm cất giữ.
Một phần não trong lọ thủy tinh. (Ảnh: BBC).
Năm 2012, nhà nhân chủng học Dean Falk nhận định điểm đặc biệt nhất trong bộ não Einstein là có thêm một vạch kẻ rộng ở thùy giữa trong não, vốn được dùng để lên kế hoạch và ghi nhớ. Enstein có tới 4 vạch này, trong khi con người bình thường chúng ta chỉ có 3 vạch.
Ngoài ra, thùy đỉnh não của Einstein bất đối xứng rõ rệt và bộ não cũng có một phần nhô lên trên dải nếp nhăn. Đây được gọi là "dấu hiệu omega", phổ biến ở những nhạc công thuận tay trái. Trên thực tế, Einstein chơi được violin.
Một năm sau, Falk và các đồng nghiệp của mình còn nhận ra rằng corpus callosum - vùng kết nối bán cầu não trái và phải, của Einstein dày hơn, tạo sự phối hợp nhịp nhàng hơn giữa hai bán cầu não.
Các nhà khoa học cho rằng có thể bộ não của Einstein xuất hiện "dấu hiệu omega" là do ông thường xuyên chơi violin từ nhỏ. Nhưng họ không thể lý giải được những đặc điểm khác biệt khác trong não Einstein là do bẩm sinh hay được cấu thành từ quá trình làm việc.
Thực tế, tất cả các phát hiện về bộ não của Einstein mới chỉ dừng lại ở mức độ lý thuyết. Các nhà khoa học thừa nhận họ không chắc chắn rằng những điểm khác biệt trên bộ não Einstein có quan hệ mật thiết với tài năng của ông hay không.