Cuộc sống luôn có đầy rẫy những khó khăn, chướng ngại vật cần phải vượt qua, giúp chúng ta trau dồi thêm nghị lực, sự quyết đoán và khả năng phân tích sự việc. Mỗi khi gặp khó khăn, bản thân chúng ta học hỏi thêm được một điều gì đó. Đó là lý do tại sao trước khi giải quyết vấn đề, bạn cần lùi lại một bước và quan sát toàn bộ sự việc. Bởi muốn giải quyết được khó khăn, điều quan trọng nhất là bạn phải hiểu rõ sự việc đang diễn ra. Đó là phương châm của nhà bác học Albert Einstein - vị thiên tài với chỉ số IQ 160.
Albert Einstain từng nói:
"Nếu có một giờ để cứu thế giới, tôi sẽ dùng 55 phút để xem xét vấn đề và chỉ dùng 5 phút còn lại để tìm ra giải pháp."
Mọi vấn đề sẽ đều có cách giải quyết, nhanh hay chậm là do cách bạn tiếp cận chúng mà thôi. Hãy cùng xem nhà bác học Albert Einstein đã giải quyết những vấn đề của mình như thế nào nhé!
Làm rõ vấn đề
Chuyện kể rằng, có một quản lý cấp cao của Toyota đã yêu cầu nhân viên của mình đưa ra kế hoạch giúp "tăng hiệu suất làm việc", nhưng ông chẳng nhận được bất kỳ phản hồi nào từ nhân viên cả. Sau đó, ông xác định lại nhiệm vụ như sau: "Hãy tìm cách khiến công việc của bạn trở nên đơn giản hơn" và kết quả là ngay lập tức nhận được vô số đề xuất thú vị từ nhân viên.
Câu chuyện trên chứng minh rằng, việc lựa chọn đúng từ ngữ đóng vai trò rất quan trọng, làm ảnh hưởng đến cách chúng ta tiếp nhận vấn đề. Giống như ví dụ vừa kể trên chẳng hạn, cụm từ "tăng hiệu suất làm việc" được hiểu là bạn phải hy sinh một thứ gì đó cho công ty, trong khi "làm việc dễ dàng hơn" nghĩa là bạn đang làm một việc gì đó có lợi cho bản thân. Vấn đề ở chỗ chúng cùng mang nghĩa giống nhau nhưng mỗi người lại hiểu theo nghĩa khác nhau. Vì vậy, khi đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn, hãy chắc chắn bạn đã phân tích nó một cách chính xác rồi nhé.
Xác định lại vấn đề
Một lần nọ, có một chiếc xe tải bị mắc kẹt dưới gầm cầu. Lực lượng lính cứu hỏa, cảnh sát và các dịch vụ cấp cứu khác được huy động đến để hỗ trợ, nhưng mọi nỗ lực dịch chuyển chiếc xe đó đều trở nên vô nghĩa. Khi người lái xe bắt đầu thấy nản lòng thì có một cậu bé đi ngang qua đưa ra một giải pháp cực kỳ thông minh mà đơn giản - "Tại sao không xì hơi lốp xe ra?".
Mỗi vấn đề mới đều là một mảnh ghép nhỏ của bức tranh lớn - dù có đơn giản như thế nào cũng có thể đưa ra cho chúng ta hàng loạt những suy diễn, giả định khác nhau. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy bị "chết chìm" trong một "biển rắc rối" nhỏ, mất tập trung vào vấn đề chính thì hãy cố gắng "ngoi lên" khỏi những chi tiết lẻ tẻ đấy và quan sát kỹ lại toàn bộ vấn đề. Bởi nhiều giả thuyết có thể không chính xác và làm chúng ta thêm rối rắm mà thôi.
Điều bạn cần làm lúc này là loại bỏ những giả thuyết sai, viết hết những giả thuyết bạn nghĩ có thể xảy ra – gồm những điều rõ ràng và những điều mơ hồ. Việc này sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ hơn về vấn đề.
Tìm hiểu vấn đề bên trong
Sau khi quan sát toàn bộ vấn đề, hãy chia nó thành các vấn đề nhỏ hơn để có thể nhìn dưới nhiều góc độ khác nhau. Bằng cách này, bạn có thể hiểu vấn đề và nắm rõ tình hình mọi việc.
Nghĩ hướng giải quyết vấn đề
Trước khi bắt tay vào giải quyết vấn đề, hãy chắc chắn bạn đã suy nghĩ mọi trường hợp có thể xảy ra rồi nhé. Suy nghĩ về những hậu quả khác nhau của hành động chính là cơ hội tìm ra những cách giải quyết mới và hoàn thiện nhất.
Sử dụng ngôn ngữ tích cực nhất
- Tạo động lực
Những câu chữ nói mang tính khẳng định thường có sức mạnh cao hơn và giúp hình dung ra các phương án giải quyết mọi việc dễ dàng hơn. Sự khác biệt giữa việc bạn nói: "Tôi sẽ bỏ thuốc"; "Tôi sẽ rèn luyện sức khỏe" hay "Tôi sẽ kéo dài tuổi thọ của mình" phải không?
- Trình bày vấn đề dưới dạng câu hỏi
Bộ não con người rất thích giải đố. Bởi vậy, khi được thử thách bằng những câu hỏi thú vị, não bộ của chúng ta sẽ không ngừng tìm kiếm câu trả lời, thậm chí ngay cả khi ta không hề nhận ra điều đó.
Làm vấn đề trở nên hấp dẫn hơn
Khi đương đầu với những rắc rối, hãy cố gắng làm bản thân cảm thấy thoải mái và thư giãn để tìm ra vấn đề. Hãy chắc chắc những nhiệm vụ phía trước còn thú vị và hấp dẫn hơn. Ví dụ, khi nói: "Tôi sẽ lập blog" hoàn toàn khác với "Tôi sẽ truyền cảm hứng cho độc giả sống một cuộc sống hạnh phúc".
Đảo ngược vấn đề
Một cách khác bạn có thể áp dụng khi rơi vào bế tắc là hình dung ra trường hợp xấu nhất có thể xảy ra hay còn gọi là đảo ngược vấn đề. Nếu muốn thành công, điều đầu tiên bạn phải hình dung ra thất bại và nguyên nhân có thể gây ra điều đó. Khi làm được điều này, bạn sẽ dễ dàng tránh được những sai lầm tương tự ngoài thực tế.
Thu thập đầy đủ những thông tin hữu ích
Tìm hiểu nguyên nhân, hoàn cảnh và chi tiết của vấn đề. Đặc biệt, nếu vấn đề còn quá mơ hồ thì việc tìm hiểu thông tin thực tế sẽ hiệu quả hơn nhiều so với việc cố gắng giải quyết chúng ngay lập tức.
Chẳng hạn, nếu người yêu của bạn buộc tội bạn thiếu quan tâm và phàn nàn: "Anh chẳng bao giờ chịu nghe em nói cả" thì bạn sẽ gặp khó khăn trong tìm ra cách giải quyết. Tuy nhiên, nếu cô ấy nói rõ nguyên nhân: "Khi nói chuyện, anh chả bao giờ nhìn em cả!" thì bạn sẽ dễ dàng biết mình cần thay đổi điều gì ngay.
Ngay khi chú ý đến những chi tiết tạo ra vấn đề, bạn sẽ nhận ra việc này còn nan giản hơn cả việc xử lý vấn đề. Tuy nhiên, kết quả mang lại chắc chắn sẽ vô cùng đáng giá.