Nếu bạn nghĩ rằng việc xây dựng một “nhà máy” lắp ráp tàu vũ trụ bay lơ lửng trên quỹ đạo Trái Đất là không tưởng? Bạn đã lầm. NASA mới đây đã ra thông báo cho biết sẽ hợp tác với tập đoàn công nghệ vũ trụ Maxar Technologies để phát triển một hệ thống lắp ráp các bộ phận tàu vũ trụ ngay trên quỹ đạo Trái Đất thấp. Đặc biệt quy trình sản xuất sẽ gần như được tự động hóa hoàn toàn với robot.
Mục đích của kế hoạch là ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất hiện nay trong sản xuất và chế tạo các bộ phận tàu vũ trụ vào các trạm không gian, từ đó có thể tiến hành sửa chữa, thay thế, đại tu tàu vũ trụ ngay trong không gian, giúp tiết kiệm đáng kể thời gian và chi phí so với sửa chữa mặt đất như hiện nay.
Việc sản xuất và lắp ráp sẽ diễn ra trên tàu vũ trụ NASA Restore Restore-L (dự kiến ra mắt vào năm 2023). Nếu được triển khai theo đúng kế hoạch, "xưởng lắp ráp lưu động này” sẽ giúp kéo dài đáng kể tuổi thọ của các vệ tinh đang hoạt động trong quỹ đạo Trái Đất thấp, ngay cả trong trường hợp chúng không được thiết kế để có thể sửa chữa, nâng cấp. Điều này sẽ giúp vệ tinh hoạt động của hiệu quả hơn, đồng thời giảm bớt vấn đề rác thải không gian gây ra bởi những vệ tinh bị đã ngừng hoạt động và đang trôi nổi trong quỹ đạo Trái Đất thấp.
Đặc biệt trên tàu vũ trụ Restore-L sẽ được trang bị một loại “siêu robot” có tên gọi Space Infrastructure Dexterous Robot (SPIDER), sở hữu những cánh tay dài tới 4m vô cùng linh hoạt, có thể lắp ráp các bộ phận của ăng-ten tàu vũ trụ, vệ tinh.
Thỏa thuận hợp tác với Maxar Technologies trong việc xây dựng một một hệ thống lắp ráp tàu vũ trụ trên không gian chỉ là một phần trong dự án thương mại hóa quỹ đạo Trái đất thấp của NASA. Trong đó mục tiêu cốt lõi là xây dựng mối quan hệ đối tác với các công ty công nghệ tư nhân nhằm hiện thực hóa các nhiệm vụ thám hiểm không gian phức tạp với chi phí tối ưu hơn. Ngoài ra nó cũng sẽ đặc biệt hữu ích trong việc hỗ trợ các sứ mệnh đưa con người lên mặt trăng hoặc sao Hỏa, cũng như phục vụ và nâng cấp các kính viễn vọng không gian quan trọng như Hubble hay James Webb sắp tới.
Quỹ đạo Trái đất tầm thấp (low Earth orbit - LEO) cách mặt đất khoảng 200 km đến 1.000 km và là nơi Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) đang làm nhiệm vụ, cùng với đó là hàng ngàn vệ tinh khác. Hầu hết các vật thể nhân tạo đang hoạt động ngoài vũ trụ của chúng ta đều ở nằm ở tầng quỹ đạo này.