Nghiên cứu cho thấy mức độ bức xạ trên mặt trăng cao gấp 200 lần trên trái đất

Mặt trăng từ trước đến nay luôn xuất hiện trong hình ảnh của một hành tinh bình yên, phát ra thứ ánh sáng êm dịu và là nơi lý tưởng để con người đặt chân đến trong tương lai. Tuy nhiên thực tế lại hoàn toàn không phải vậy, mặt trăng trên thực tế liên tục bị bức xạ vũ trụ “bắn phá”, và không giống như trái đất có từ trường để giữ an toàn, bề mặt mặt trăng hoàn toàn không có lớp bảo vệ nào giúp nó tránh khỏi loại vật chất vô cùng độc hại này.

Mới đây, một nghiên cứu được công bố hôm 25/9 vừa qua đã lần đầu tiên đo mức độ bức xạ trên mặt trăng và đưa ra kết quả cho thấy lượng bức xạ trên hành tinh này lớn gấp 200 lần so với ở trái đất. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng mức bức xạ này vẫn đảm bảo an toàn cho hoạt động khám phá mặt trăng trong thời gian dài, đặc biệt là khi các phi hành gia luôn được trang bị đồ bảo hộ đạt yêu cầu.

Nghiên cứu mới này được tiến hành dựa trên dữ liệu thu thập từ tàu đổ bộ Chang’e 4 của Trung Quốc hiện đang làm nhiệm vụ khám phá vùng phía xa của mặt trăng, bằng cách thực hiện một loạt phép đo đối với các hạt mang điện và trung tính trên bề mặt hành tinh này. Các hạt mang điện được đánh giá là độc hại đối với con người và có thể có gây ra tác động ngay lập tức khi phơi nhiễm như chóng mặt, nôn mửa, và hàng loạt vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như tăng khả năng ung thư khi tiếp xúc trong thời gian dài.

Mô phổng phi hành gia thực hiện nhiệm vụ trên mặt trăng
Mô phổng phi hành gia thực hiện nhiệm vụ trên mặt trăng

Kết quả nghiên cứu cho thấy, mặc dù mức độ bức xạ trên mặt trăng cao hơn nhiều so với trên trái đất, nhưng trên thực tế cũng chỉ bằng khoảng 5 đến 10 lần mức mà một hành khách trải qua trên một chuyến bay xuyên lục địa. Phơi nhiễm bức xạ từ trước đến nay luôn là mối quan tâm về sức khỏe hàng đầu đối với các hoạt động khám phá không gian, và những sự phơi nhiễm này nên được kiểm soát thông qua các thiết bị bảo hộ, do cấu tạo cơ thể người không phù hợp với lượng bức xạ lớn. Ngoài ra, hệ thống che chắn đặc biệt của các trang thiết bị đạt chuẩn còn có thể bảo vệ phi hành gia khỏi các đợt bùng phát bức xạ hiếm gặp nhưng nguy hiểm.

Có một yêu cầu mà NASA buộc phải tuân thủ trước khi triển khai bất cứ nhiệm vụ không gian có người nào là đảm bảo là nguy cơ ung thư của các phi hành gia không được tăng quá 3%, và việc giữ cho bức xạ ở ngưỡng an toàn chính là một trong những yếu tố mang tính tiên quyết.

Trước đây, mặc dù mức độ tiếp xúc phóng xạ của các phi hành gia thực hiện nhiệm vụ thám hiểm mặt trăng cũng đã được đo đạc trong các sứ mệnh của Apollo, nhưng phép đo ở thời điểm đó được thực hiện trên hành trình của họ từ trái đất, xuyên không gian, trên mặt trăng và quay trở lại. Khi đó, độ phơi nhiễm bức xạ thực tế trên bề mặt mặt trăng chỉ được ước tính “từ phép ngoại suy và mô hình hóa”, chứ không phải đo trực tiếp như hiện nay, do đó độ chuẩn xác cũng kém hơn đáng kể.

Các chuyên gia nói rằng mặc dù bức xạ vẫn cần được xem xét và tính đến khi lên kế hoạch cho các sứ mệnh trên mặt trăng, nhưng nếu phi hành gia được cung cấp trang phục bảo hộ, cũng như làm việc trong cơ sở sở hạ tầng được xây dựng từ vật liệu che chắn bức xạ thích hợp, thì họ có thể sống và thực hiện nhiệm vụ trên Mặt Trăng tới sáu tháng liên tục mà không vượt quá giới hạn an toàn của NASA.

Thứ Tư, 30/09/2020 21:35
31 👨 120
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ