Hiện tượng rỉ sét trên mặt trăng
Nghe có vẻ khó tin nhưng mặt trăng của chúng ta đang hơi chuyển sang màu đỏ của hiện tượng rỉ sét, và đây có thể là lỗi của Trái đất. Nghiên cứu mới được tiến hành bởi các nhà thiên văn học quốc tế đã cho thấy bầu khí quyển của hành tinh chúng ta có thể là thủ phạm khiến bề mặt mặt trăng bị rỉ sét.
Rỉ sét, còn được biết đến với tên gọi oxit sắt, là một hợp chất màu nâu đỏ, tạo thành khi sắt tiếp xúc với nước và oxy. Sở dĩ sao Hỏa được đặt tên là hành tinh Đỏ cũng một phần là bởi màu sắc bề mặt hơi đỏ do bị bao phủ bởi các lớp gỉ sét hình thành từ hàng tỷ năm trước. Tuy nhiên không phải tất cả các môi trường thiên thể đều cung cấp điều kiện tối ưu cho phản ứng rỉ sét, đặc biệt là đối với mặt trăng, một hành tinh vốn được biết đến bởi sự khô ráo “chết người” và hoàn toàn thiếu vắng oxy. Vậy hiện tượng rỉ sét trên bề mặt mặt trăng vì đâu mà có?
Nguyên nhân của hiện tượng này là gì?
Để tìm kiếm câu trả lời, các nhà khoa học đến từ Viện Địa vật lý và Hành tinh Hawaii đã tiến hành thu thập dữ liệu từ vệ tinh Chandrayaan-1 của Cơ quan nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO), đã từng hoàn thành xuất sắc sứ mệnh khảo mặt trăng vào năm 2008. Sau khi phân tích kỹ lưỡng dữ liệu được thu thập bởi Chandrayaan-1 cách đây 12 năm, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng các cực của mặt trăng có thành phần rất khác so với những khu vực còn lại trên hành tinh này.
Phân tích kỹ hơn, các nhà khoa học phát hiện ra rằng bề mặt hai vùng cực của mặt trăng có chứa một số loại đá giàu sắt với các dấu hiệu quang phổ hoàn toàn phù hợp với những điểm đặc trưng của hematit. Khoáng chất hematit, thường được tìm thấy trên bề mặt Trái đất, là một loại oxit sắt, hay còn gọi là rỉ sắt, với công thức hóa học Fe2O3.
“Lúc đầu, chúng tôi hoàn toàn không tin. Nếu xét đến các điều kiện hiện có trên mặt trăng, hematit không thể tồn tại. Nhưng từ khi chúng tôi phát hiện ra dấu vết của nước trên mặt trăng, mọi người đã liên tục kỳ vọng sẽ có nhiều loại khoáng sản hơn so với những gì đã từng biết đến nếu nước tiếp xúc với đá”, nhà địa chất học hành tinh Abigail Fraeman, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Tại sao Trái đất lại là một phần nguyên nhân
Trên thực tế, nước có tồn tại trên mặt trăng, với một lượng khá nhỏ ở dạng băng giá nằm trong các hố núi lửa. Tuy nhiên lượng nước này nằm tương đối xa so với các khu vực đang xuất hiện rỉ sét. Vậy lượng nước chính tạo ra hiện tượng rỉ sét trên mặt trăng bắt nguồn từ đâu? Các nhà khoa học cho rằng những hạt bụi di chuyển nhanh va vào mặt trăng, giải phóng các phân tử nước và hòa trộn chúng với sắt bề mặt của hành tinh. Các hạt bụi này thậm chí có thể mang theo một lượng đáng kể phân tử nước và tác động của chúng có thể tạo ra nhiệt lượng, làm tăng tốc độ oxy hóa.
Về phần oxy, mặt trăng lấy oxy ở đâu? Trên thực tế, mặt trăng không sở hữu bầu khí quyển để cung cấp đủ lượng oxy, nhưng có một lượng nhỏ oxy do bầu khí quyển của Trái đất cung cấp được chuyển đến hành tinh này. Chúng truyền tới mặt trăng dọc theo một phần kéo dài của từ trường hành tinh được gọi là "magnetotail". Đó cũng là lý do tại sao phần mặt trăng hướng về Trái đất có nhiều gỉ sét hơn những khu vực ngược lại. Hơn nữa, vào mỗi lần trăng tròn, magnetotail chặn 99% gió mặt trời thổi đến mặt trăng, tạo ra một bức màn tạm thời trên bề mặt hành tinh, cho phép hình thành một khoảng thời gian rỉ sét.
Tất nhiên đây vẫn chỉ là những giả thuyết và cần thêm nhiều dữ liệu để hiểu chính xác lý do tại sao hiện tượng gỉ sét xuất hiện trên mặt trăng. Tuy nhiên về cơ bản, khám phá này đã “tái định nghĩa” kiến thức của chúng ta về các vùng cực của mặt trăng. Và Trái đất có thể đã đóng một vai trò quan trọng đối với sự tiến hóa của bề mặt hành tinh này.