Con người ngày càng đẩy mạnh khám các hành tinh trong vũ trụ, mối lo về sự “ô nhiễm không gian” cũng vì thế mà gia tăng. Chẳng hạn khi phi hành gia đặt chân lên một hành tinh trong không gian, họ hoàn toàn có thể đem theo các loài vi sinh vật, chất hóa học từ Trái Đất và vô tình gây ô nhiễm cho hành tinh đó.
Một nghiên cứu mới được tiến hành bởi NASA cho thấy sự tồn tại của một loài vi khuẩn từ Trái Đất quá giang trên những con tàu đổ bộ trên Sao Hỏa. Hay như trường hợp tàu vũ trụ thám hiểm mặt trăng Beresheet đã vô tình mang loài sinh vật có tên tardigrades (gấu nước) lên Mặt Trăng sau một chuyến đổ bộ.
NASA muốn chắc chắn rằng con người không vô tình đưa các sinh vật hoặc chất gây ô nhiễm từ Trái đất đến các hành tinh khác (và ngược lại) khi khám phá không gian ngoài Quỹ đạo Trái đất thấp. Trong một bài đăng trên Twitter, quản trị viên của NASA, Jim Brindestine, đã đưa ra thông báo cho biết cơ quan này vừa ban hành một loạt chính sách mới nhằm bảo vệ sự nguyên vẹn của các hành tinh mà con người sẽ gửi tàu vũ trụ hoặc đặt chân tới trong tương lai, đặc biệt là Mặt Trăng và Sao Hỏa, cũng như giảm thiểu tác hại từ hoạt động của con người trên các hành tinh này.
NASA đã ban hành 2 chỉ thị tạm thời để cập nhật các chính sách của mình. Trong đó, chính sách đầu tiên tập trung đảm bảo “độ sạch” của các nhiệm vụ robot cũng như phi hành đoàn đi đến và đi từ Trái Đất - Mặt Trăng. Chỉ thị thứ hai tập trung vào ngăn ngừa ô nhiễm sinh học cho các sứ mệnh Trái Đất đến Mặt Trăng.
Cơ quan này cho biết họ sẽ sử dụng dữ liệu và kinh nghiệm thu được thông qua những thử nghiệm trên mặt đất để đề xuất các hướng dẫn và phát triển khả năng giám sát quá trình ngăn ngừa ô nhiễm sinh học liên quan đến sự hiện diện của con người trong các sứ mệnh thám hiểm không gian.
Song song với đó, NASA sẽ phát triển công nghệ mới giúp giảm thiểu ô nhiễm không gian, chẳng hạn như các công cụ và kỹ thuật xử lý chất thải hiệu quả hơn, cũng như tìm hiểu rõ hơn về các đặc điểm môi trường của Sao Hỏa và Mặt Trăng để tìm ra phương thức khắc phục hợp lý nhất trong trường hợp có ô nhiễm xảy ra.
Ô nhiễm liên hành tinh
Không chỉ xả rác ra môi trường thiên nhiên dưới mặt đất, chúng ta còn để lại đầy rẫy “dấu ấn của thế giới văn minh” bên ngoài vũ trụ.
Ngày càng có nhiều kế hoạch lên mặt trăng được đưa ra, thậm chí còn có cả những tua du lịch khám phá hành tinh này và trong tương lai còn có thể là cả những khu định cư, tổ hợp vui chơi được xây dựng. Tham vọng khám phá và đặt chân lên mặt trăng không phải xấu, không đáng bị lên án, tuy nhiên chúng ta phải học cách dọn dẹp hậu quả để lại. Bài học về cuộc khủng hoảng rác thải nhựa đang hoành hành trên trái đất vẫn còn nguyên giá trị.
Song song với mặt trăng, sao Hỏa chính là hành tinh tiếp theo cần nhận được sự quan tâm đặc biệt, khi mà ngày càng có nhiều dự án khám phá bề mặt sao Hỏa được lên kế hoạch như hiện nay. NASA và ESA hiện đang lên kế hoạch cho một nhiệm vụ đưa các mẫu vật thu được từ sao Hỏa về trái đất để nghiên cứu. Và các biện pháp phòng ngừa mọi sự xáo trộn cũng như ô nhiễm có thể xảy ra trên bề mặt hành tinh này chính là trung tâm của việc thiết kế và chế tạo tàu vũ trụ.