Quay quanh quỹ đạo gần 3 triệu dặm từ mặt trời, sao Hải Vương nằm ở một vị trí xa xôi so với Trái đất. Tuy nhiên, kiến thức mà chúng ta đã biết về bầu khí quyển và điều kiện thời tiết trên hành tinh này hoàn toàn không phải ít. Những cơn bão dữ dội đã được quan sát trên sao Hải Vương khi tàu vũ trụ Voyager 2 đi ngang qua hành tinh này vào đầu thập niên 1980. Cùng với đó là những đốm đen được bao quanh bởi những đám mây trắng chứa khí metan đông lạnh. Mặc dù vậy, giới thiên văn học hiện đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa về nguồn gốc của những cơn bão này, và tại sao chúng dường như liên tục xuất hiện và biến mất theo thời gian như một vòng lặp bất tận.
Các nhà nghiên cứu gần đây đã sử dụng Hubble và các hệ thống kính viễn vọng, đài thiên văn tiên tiến khác để quan sát các đám mây của sao Hải Vương nhằm điều tra một bí ẩn: Tại sao đôi khi hành tinh này có rất nhiều mây trong bầu khí quyển của nó, trong khi vào những thời điểm khác thì hầu như không có. Chẳng hạn trong năm 2019, lượng mây của sao Hải Vương đã giảm đáng kể không rõ lý do.
Kết quả là nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa lượng mây của sao Hải Vương và chu kỳ mặt trời kéo dài 11 năm. Vào những thời điểm nhất định, số lượng vết đen và vết lóa từ mặt trời tăng lên, làm phát ra nhiều bức xạ cực tím (UV) hơn vào hệ mặt trời. Bức xạ này dường như ảnh hưởng đến các đám mây trên Sao Hải Vương, vì nghiên cứu cho thấy dữ liệu trong hơn 30 năm có nhiều đám mây hơn xuất hiện hai năm sau đỉnh của chu kỳ mặt trời. Các nhà nghiên cứu cho rằng độ trễ hai năm này là do các quá trình hóa học bắt đầu trong bầu khí quyển của hành tinh và cần thời gian để tạo ra các đám mây.
Hải Vương là hành tinh lớn xa nhất trong hệ Mặt trời, nhận được lượng ánh sáng Mặt trời chỉ vào khoảng 0,1% so với cường độ trên Trái đất. Tuy nhiên, sự thay đổi của các đám mây bao phủ sao Hải Vương dường như bị điều khiển bởi hoạt động của Mặt trời chứ không phải bốn mùa, mỗi mùa kéo dài khoảng 40 năm, trên hành tinh này.
“Những dữ liệu đáng chú ý này cung cấp cho chúng ta bằng chứng mạnh mẽ nhất cho thấy lớp mây bao phủ của sao Hải Vương có tương quan với chu kỳ của Mặt trời. Phát hiện này ủng hộ giả thuyết rằng tia UV của Mặt trời, khi đủ mạnh, có thể kích hoạt phản ứng quang hóa tạo ra các đám mây của Sao Hải Vương”, tiến sĩ Imke de Pater, thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết.
Hiện tại, độ che phủ của mây trên sao Hải Vương là rất thấp, ngoại trừ một số đám mây lơ lửng trên cực nam của hành tinh. Một nhóm các nhà thiên văn học phát hiện vùng mây nhiều thường thấy ở cận xích đạo của sao Hải Vương đã bắt đầu giảm đi vào năm 2019.
Trong tương lai, các nhà nghiên cứu muốn tiếp tục theo dõi hoạt động của đám mây trên sao Hải Vương để hiểu cách thức mặt trời ảnh hưởng đến các đám mây, và liệu mây có xuất hiện trở lại như mức cũ hay không.