Mới đây, các nhà khoa học ở Victoria, Úc đã hết sức ngỡ ngàng khi tìm thấy hóa thạch hổ phách của hai con ruồi thời tiền sử với tuổi đời lên tới 41 triệu năm, điều đặc biệt là chúng đang trong tư thế đang làm "chuyện ấy".
Đây là một hóa thạch hổ phách rất hiếm và khó có thể tìm được miếng thứ hai bởi thông thường, những con ruồi chỉ tốn có một vài giây là hoàn tất quá trình giao phối và chúng sẽ không giữ tư thế đó nữa. Mặt khác, loài ruồi có phản xạ rất nhanh nên việc chúng bị mắc kẹt bởi nhựa cây là rất hiếm.
Các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng, hai con ruồi này đã vô tình đậu trên nhựa cây để giao phối và sau đó bị mắc kẹt mãi mãi cạnh nhau. Sau hàng triệu năm bị chôn vùi trong nhựa cây, chúng trở thành hóa thạch.
Việc phát hiện hóa thạch của cặp ruồi đang giao phối có niên đại 41 triệu năm này là một trong những khám phá vĩ đại nhất trong khoa học cổ sinh vật học ở Úc, cung cấp một lượng thông tin khổng lồ về hệ sinh thái trên cạn thời cổ đại.
Hổ phách được coi là "chén thánh" trong ngành khảo cổ vì giúp bảo quản các vi sinh vật hàng triệu năm tuổi trong trạng thái hoàn toàn lơ lửng trong không gian 3D hoàn hảo, trông giống như chúng mới chết ngày hôm qua.