Kính viễn vọng không gian đắt nhất từng được chế tạo - James Webb - vừa tiếp tục gửi về Trái Đất hình ảnh mới cực kỳ hùng vĩ về một vườn ươm sao có tên NGC 346. Không chỉ đẹp, bức ảnh này còn khiến các nhà thiên văn học phải suy nghĩ lại về lý thuyết bấy lâu nay được coi là luôn đúng đối với cách các ngôi sao cũng như hành tinh có thể hình thành trong vũ trụ sơ khai.
Cụm sao NGC 346 là một khu vực hình thành sao nổi tiếng với sự bận rộn và dày đặc, nằm trong Đám mây Magellan Nhỏ, vốn là một thiên hà vệ tinh của Dải Ngân hà. Nhìn chung, thành phần của Đám mây Magellan Nhỏ có sự khác biệt khá lớn so với Dải Ngân hà, vì nó chứa ít nguyên tố nặng hơn. Về lý thuyết, bui vũ trụ thường bao gồm các nguyên tố nặng hơn nên theo logic thông thường, các nhà thiên văn học cho rằng sẽ có ít bụi hơn trong Đám mây Magellan Nhỏ. Tuy nhiên đó không phải là điều mà kính thiên văn James Webb quan sát được.
Thay vào đó, James Webb tìm thấy lượng bụi cũng như hydro dồi dào, điều đó có nghĩa là thiên hà này chứa đựng một lượng khổng lồ nguyên liệu không chỉ cho sự hình thành của các ngôi sao mà còn cả các hành tinh. Đây là một phát hiện thú vị đối với các nhà thiên văn học trong việc nghiên cứu Đám mây Magellan Nhỏ, vì thành phần của đám mây này khiến nó giống với những thiên hà già hơn nhiều, vốn đã tồn tại trong một thời kỳ được gọi là buổi trưa vũ trụ (cosmic noon), nằm trong khoảng 2 đến 3 tỷ năm sau vụ nổ lớn Big Bang.
Thực tế về việc có thể có những vật liệu cần thiết để tạo ra các hành tinh đá trong một thiên hà như vậy đặt ra hàng loạt câu hỏi cần giải đáp liên quan đến dòng thời gian hình thành hành tinh trong vũ trụ. Và vì Đám mây Magellan Nhỏ có môi trường tương tự như các thiên hà trong thời kỳ cosmic noon, nên có thể các hành tinh đá đã hình thành trong vũ trụ sớm hơn chúng ta tưởng.