Đây là những hình ảnh gần nhất về Mặt Trời từng được chụp lại

Mặt Trời chính là nhân tố quyết định sự sống trên Trái Đất. Mặc dù đã chung sống với Mặt Trời qua hàng ngàn năm, vẫn còn rất nhiều điều về “quả cầu lửa khổng lồ” 10 tỷ năm tuổi này mà con người chưa thể khám phá ra. Tuy nhiên, những tiến bộ trong khoa học kỹ thuật hiện đang giúp nhân loại ngày càng hiểu rõ hơn về “lò phản ứng hạt nhân siêu lớn” này.

Những hình ảnh gần nhất về mặt trời, chụp ở khoảng cách khoảng 48 triệu dặm từ bề mặt hành tinh này, vừa chính thức được công khai trong một cuộc họp báo do NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) tổ chức vào sáng thứ năm vừa qua, và đã ngay lập tức trở thành mối quan tâm hàng đầu trong giới thiên văn học hiện nay. Vậy có gì đặc biệt ở những bức ảnh này?

Đây đều là ảnh chụp cận cảnh chưa từng có, cho thấy tương đối chi tiết bề mặt của Mặt Trời dưới góc nhìn của Solar Orbiter - tàu vũ trụ khám phá Mặt Trời tốt tân nhất hiện nay.

Những "đám cháy" bí ẩn trên bề mặt Mặt Trời
Những "đám cháy" bí ẩn trên bề mặt Mặt Trời

“Nhân loại chưa bao giờ đến gần Mặt trời hơn thế. Tuy nhiên, đây chỉ là khởi đầu của một chuyến hành trình dài, khó khăn, nhưng có ý nghĩa cực kỳ quan trọng của Solar Orbiter. Con tàu sẽ đưa chúng ta đến gần Mặt Trời hơn nữa trong vòng 2 năm tới”, Daniel Müller, nhà khoa học thuộc dự án Solar Orbiter Project tại ESA, cho biết trong cuộc họp báo.

Tàu vũ trụ Solar Orbiter đã chụp những bức ảnh này tại một điểm nằm giữa Mặt trời và Trái Đất ở 2 khoảng bằng nhau, mang đến cái nhìn chưa từng thấy về những ngọn lửa, các vụ phun trào mạnh mẽ trên bề mặt ngôi sao này.

Nguồn gốc và hành vi của những đám cháy trên bề mặt Mặt Trời chưa được hiểu rõ, nhưng theo các nhà khoa học, chúng có thể đóng một vai trò khá quan trọng liên quan đến đặc tính của quả cầu lửa này, cũng như tác động của nó đến khí hậu trên Trái Đất.

Hiện tại, tàu vũ trụ Solar Orbiter vẫn đang trong hành trình tiếp cận vị trí quan sát đã được lên kế hoạch, có nghĩa là nó đang ổn định trên quỹ đạo quanh Mặt Trời. Nhưng trong năm tới, nó sẽ bắt đầu giai đoạn khám phá khoa học của mình, đó là xâm nhập vào quỹ đạo của hành tinh trong cùng thuộc hệ mặt trời: Sao Thủy (Mercury).

Đến năm 2022, tàu vũ trụ sẽ bắt đầu nghiêng quỹ đạo của nó ra khỏi mặt phẳng của hệ mặt trời để bay qua các cực của Mặt Trời - một vị trí vốn chưa bao giờ được tiếp cận trực tiếp, chứ đừng nói là chụp ảnh ở khoảng cách gần.

Trên mặt đất, Mặt trời đang được theo dõi bởi Kính viễn vọng Mặt trời Daniel K. Inouye (Daniel K. Inouye Solar Telescope) - chiếc kính viễn vọng lớn và hiện đại nhất hiện nay của tổ chức National Science Foundation (NSF) đặt tại Maui, Hawaii. Daniel K. Inouye mới đây cũng đã chụp được một bức ảnh “vô tiền khoáng hậu” với sự chi tiết đến mức đáng kinh ngạc về bề mặt của mặt trời, được công bố chính thức vào tháng 1 năm nay.

Cùng với nhau, các hệ thống tàu vũ trụ và kính viễn vọng này sẽ giúp giải đáp một số bí ẩn nổi bật nhất về Mặt trời, bao gồm bản chất của các cực, gió và bão mặt trời, cũng như tác động của chúng trên khắp hệ mặt trời.

Thứ Sáu, 17/07/2020 20:16
3,52 👨 2.532
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ