Chúng ta thường cho rằng chỉ khi mệt mỏi hoặc tức giận thì con người mới thở dài. Thực tế, chúng ta thở dài thường xuyên và đây là một phản xạ quan trọng mang tính sống còn, giữ cho phổi hoạt động tốt.
Chắc chắn nhiều người sẽ ngạc nhiên khi biết, mỗi người trung bình thở dài 12 lần trong một ngày tức là 5 phút một lần. Tần suất thở dài của chúng ta cao như vậy là để ngăn phế nang không bị xẹp, theo nghiên cứu của Đại học Stanford và Đại học California của Mỹ.
"Lá phổi của con người có diện tích bề mặt ngang một sân tennis, được xếp gọn lại trong lồng ngực. Có khoảng 500 triệu túi khí nhỏ được gọi là phế nang. Mỗi phế nang là một quả cầu nhỏ với đường kính khoảng 0,2mm", đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư thần kinh học Jack Feldman cho biết.
Jack Feldman cũng giải thích thêm rằng, phế nang giúp bảo đảm oxy dễ dàng vào máu qua màng phổi. Nếu bạn không thở dài, phế nang không được thổi phồng sẽ bị xẹp giống như quả bóng bị ướt khiến bề mặt phổi mất đi khả năng trao đổi khí và phổi ngừng hoạt động.
Theo các nhà nghiên cứu, hít thở thật sâu (việc mà chúng ta vẫn làm 1 lần sau 5 phút) là cách duy nhát để thổi túi phổi nở trở lại. Thở dài cũng giống như hơi thở được nhân đôi. Nếu quan sát một bệnh nhân được lắp ống thở, chúng ta sẽ thấy cách vài phút họ sẽ thở ra một hơi lớn.
Vậy những tiếng thở dài do cảm xúc thì sao?
Theo giáo sư Feldman, những tiếng thở dài khi cơ thể căng thẳng là do não tiết ra các phân tử peptide có nguồn gốc bombesin. Theo kết quả nghiên cứu trước đây của ông, chuột tăng số lần thở dài từ 25 lên 400 lần một tiếng khi được tiêm bombesin vào não. Ngược lại, khi tiêu diệt thụ thể bombesin, hành vi thở dài hoàn toàn biến mất ở loài vật.
Feldman hy vọng, trong tương lai phát hiện này sẽ được ứng dụng để chế tạo thuốc chữa một số loại bệnh khiến con người thở dài quá ít dẫn đến khó thở, ảnh hưởng tới chức năng phổi như rối loạn lo âu, vần đề hô hấp hoặc thở dài quá nhiều dẫn đến suy nhược.