Khoa học công nghệ hiện đại đã giúp nhân loại tìm ra vô số khám phá mới về vũ trụ. Tuy nhiên nếu xét đến những hiểu biết của con người trong lĩnh vực thiên văn học, không hề quá khi so sánh với hình tượng hạt cát giữa sa mạc rộng lớn. Một hiện tượng thiên văn chưa từng được biết đến mới được các nhà khoa học phát hiện gần đây đã một lần nữa chứng minh luận điểm trên, và đáng tiếc câu trả lời thỏa đáng vẫn đang là một bí ẩn.
Cụ thể, các nhà nghiên cứu thiên văn học quốc tế vừa ghi nhận một hiện tượng chưa từng có tiền lệ: Một hành tinh có kích thước lớn gấp vài lần ngôi sao mà nó quay quanh. Đáng chú ý hơn, hành tinh này vẫn tồn tại dù ngôi sao chủ của nó đã chết từ lâu.
Hiện tượng kỳ lạ này được phát hiện sau khi các nhà khoa học tổng hợp dữ liệu thu về từ hai trong số những hệ thống quan sát thiên văn tối tân nhất: Kính viễn vọng khảo sát hành tinh TESS (Transiting Exoplanet Survey Satellite) và Kính viễn vọng không gian Spitzer. Được đặt tên là WD 1856 b, hành tinh này có kích thước tương đương với sao Mộc, và lớn gấp bảy lần kích thước của sao lùn trắng WD 1856 + 534 mà nó quay xung quanh. Sao lùn trắng là tàn tích còn sót lại sau khi một ngôi sao cháy hết nhiên liệu và chết đi, trong khi vẫn tỏa ra nhiệt lượng mạnh mẽ. Vào cuối vòng đời của ngôi sao, nó phồng lên đến một kích thước khổng lồ trước khi sụp đổ xuống lõi của chính mình. Về lý thuyết, mọi thứ quay xung quanh ngôi sao này, chẳng hạn như các hành tinh (vệ tinh), cũng sẽ bị phá hủy và chịu chung số phận với sao chủ.
Nhưng bằng cách nào đó, WD 1856 b vẫn sống sót, mặc dù nó nằm ở khoảng cách đủ gần với sao lùn trắng (hoàn thành quỹ đạo chỉ trong 34 giờ, nhanh hơn 60 lần so với sao Thủy quay quanh mặt trời) để phát nổ theo ngôi sao này. Điều này hoàn toàn đi ngược lại với lý thuyết được công nhận từ trước đến nay trong lịch sử nghiên cứu thiên văn của nhân loại.
“WD 1856 b bằng cách nào đó đã sống sót một cách kỳ diệu. Quá trình tạo ra sao lùn trắng phá hủy các hành tinh lân cận và bất cứ vật thể nào nằm quá gần đều sẽ bị lực hấp dẫn cực lớn của ngôi sao xé nát. Chúng tôi hiện vẫn chưa thể giải thích được nguyên nhân tại sao WD 1856 b có thể đi ngược lại kịch bản đó”, nhà nghiên cứu thiên văn Andrew Vanderburg đến từ Đại học Wisconsin-Madison, cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà thiên văn học quốc tế hiện đang tranh luận về việc làm thế nào hành tinh này có thể tồn tại sau một quá trình kiến tạo sao lùn trắng như vậy. Một giả thuyết cho rằng hành tinh này bắt đầu sự sống của nó ở vị trí xa hơn ngôi sao, và chỉ bị kéo vào gần do lực hấp dẫn mạnh của sao lùn trắng mà thôi. Trên thực tế, hiện tượng này đã từng được quan sát với các thiên thể nhỏ hơn, nhưng hiếm khi được nhìn thấy với thiên thể lớn tương đương một hành tinh.
Ngoài ra, còn có giả thuyết cho rằng có sự tồn tại của những hành tinh lớn khác trong hệ thống, đã ảnh hưởng đến WD 1856 b bằng lực hấp dẫn của chúng, hoặc thậm chí rằng các ngôi sao khác, chẳng hạn như các sao khổng lồ đỏ gần đó G229-20 A và B, có thể đã có tác động.
Tất cả vẫn chỉ là giả thuyết và để chứng minh được có lẽ không phải chuyện một sớm một chiều.