Robot thám hiểm chuẩn bị thực hiện thí nghiệm đặc biệt tìm kiếm bằng chứng về sự sống trên sao Hỏa

Sắp tới hứa hẹn là một tuần thú vị đối với tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity Rover của NASA, khi robot này bắt đầu thực hiện một thí nghiệm rất được mong đợi có thể tiết lộ manh mối quan trọng về khả năng sự sống đã từng tồn tại trên hành tinh này.

Một phần trong công việc thường nhật của Curiosity là khoan sâu vào bề mặt sao Hỏa, lấy ra các mảnh đá và đất, sau đó chuyển những mẫu vật này sang một trong hai công cụ phân tích được lắp đặt sẵn trên khoang, bao gồm hệ thống phân tích mẫu vật tại chỗ (Sample Analysis at Mars - SAM), và hệ thống máy quang phổ đo các mức khoáng chất trong mẫu có tên gọi Chemical and Mineralogy (CheMin), nhằm phân tích mẫu vật để tìm ra sự hiện diện của các hợp chất hữu cơ cũng như chất khí cụ thể.

Tuy nhiên trong tuần tới, Curiosity sẽ thực hiện một cuộc nghiên cứu cực kỳ đặc biệt. Bên trong thiết bị SAM là hai khoang nhỏ chứa một hợp chất quan trọng có tên gọi tetramethylammonium hydroxit (TMAH), được sử dụng để xác định các vật liệu hữu cơ trong mẫu vật. Chỉ có một lượng rất nhỏ hợp chất này được trang bị cùng với Curiosity trong hành trình khám phá sao Hỏa, vì vậy phải được sử dụng rất cẩn thận, mọi sự phung phí đều khiến hiệu quả của cả một sứ mệnh khám phá sao Hỏa tốn kém bị ảnh hưởng. Các nhà khoa học đã chờ đợi cơ hội thích hợp để sử dụng TMAH và tìm kiếm các hợp chất hữu cơ từ rất lâu.

Hình ảnh chụp bởi máy ảnh điều hướng bên trái trên tàu thăm dò sao Hỏa của NASA
Hình ảnh chụp bởi máy ảnh điều hướng bên trái trên tàu thăm dò sao Hỏa của NASA

“Curiosity chỉ mang theo một lượng nhỏ TMAH, vì vậy chúng tôi đã phải chờ đợi 8 năm để thu thập được loại vật chất thực sự phù hợp và bắt đầu thực hiện nghiên cứu chuyên sâu nhất. Hy vọng hệ thống SAM sẽ sớm cung cấp cho chúng ta cái nhìn sâu sắc mới về hình thái, đặc tính hóa học của sao Hỏa cổ đại”, nhà khoa học khí quyển của NASA, Scott Guzewich, cho biết trong một bài đăng trên blog.

Curiosity hiện đang tiến hành khảo sát một địa điểm có tên là Mary Anning 3. Robot hiện đã khoan một lỗ giếng để tiếp cận các mẫu vật chất tại khu vực này. Mary Anning 3 là một khu vực đặc biệt nằm ở của miệng núi lửa Gale rất giàu khoáng chất đất sét và có thể chứa các hợp chất hữu cơ liên quan đến sự hiện diện của sự sống trên hành tinh Đỏ.

Để phân tích cũng như kiểm tra các hợp chất hữu cơ này, Curiosity sẽ chạy ngược mũi khoan của mình để thả các mẫu đá dạng bột vào thiết bị SAM, nơi chúng sẽ được ngâm trong TMAH. Chất khí thoát ra sau đó có thể cho các nhà nghiên cứu biết chính xác thành phần các chất hóa học có trong mẫu vật.

Sắp tới sẽ là khoảng thời gian thú vị nhưng cũng rất quan trọng với sứ mệnh Curiosit. Kết quả phân tích sẽ được gửi về Trái đất sau vài ngày và hy vọng đây sẽ là những khám phá mới mẻ, có giá trị.

Thứ Năm, 24/09/2020 23:20
31 👨 160
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ