Loại enzyme đột biến này có khả năng 'ăn' gần hết 1 tấn chai nhựa chỉ sau vài giờ

Các nhà khoa học vừa chế tạo thành công một loại enzyme đột biến vô cùng đặc biệt có khả năng phân hủy nhựa trong thời gian ngắn để tái chế thành một loại nhựa mới chất lượng cao. Enzyme mới được coi là bước tiến lớn trong lĩnh vực tái chế.

Các nhà khoa học tại công ty Carbios đã phát hiện ra loại enzyme đột biến khi tiến hành nghiên cứu một đống lá khô đang phân hủy.

Khác với nhựa tái chế hiện nay chỉ đủ để làm quần áo hay thảm trải, loại enzyme đặc biệt mới được phát hiện có thể phân hủy chai nhựa thành những khối nhựa nhỏ, thứ vật liệu có thể được dùng trong sản xuất chai nhựa cao cấp.

Tái chế chai nhựa

Loại enzyme đột biến có khả năng phân hủy nhựa PET - vốn là chất hóa học làm nên chai nhựa đựng nước ta vẫn biết. Chúng cũng hoạt động ổn định ở nhiệt độ 72 độ C, mức nhiệt được cho là cận hoàn hảo để vật chất phân hủy nhanh chóng.

Các nhà khoa học đã thử nghiệm enzyme mới với một tấn chai nhựa. Kết quả nhận được ngoài sức tưởng tượng, 90% lượng rác nhựa bị tiêu hủy sau khoảng 10 giờ. Số chất thải này được tái sử dụng tạo ra được những chai nhựa đạt tiêu chuẩn an toàn về thực phẩm.

Carbios đã lên kế hoạch tái chế chai nhựa với loại enzyme mới ở quy mô công nghiệp trong vòng 5 năm tới. Hiện công ty đã bắt tay với hãng nước giải khát Pepsi và hãng mỹ phẩm L’Oréal để cùng nghiên cứu sản xuất loại enzyme mới.

Nếu loại enzyme đột biến này thành công ở quy mô công nghiệp sẽ giúp cắt giảm đáng kể lượng nhựa thải ra môi trường mỗi năm.

Thứ Ba, 14/04/2020 11:27
51 👨 366
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khám phá khoa học