Chiêm ngưỡng cực quang siêu ngoạn mục nhìn từ Trạm Vũ trụ Quốc tế

Bên cạnh nhiệm vụ thường nhật là thực hiện một loạt các thí nghiệm khoa học trong điều kiện vi trọng lực mỗi ngày, các phi hành gia trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS) đôi khi cũng dành thời gian để ngắm nhìn Trái đất từ không gian như một hình thức xả stress hiệu quả.

Trong thời gian nghỉ giải lao, các phi hành gia ISS thường tụ họp ở đài quan sát Cupola, nơi có thể cung cấp cho họ vị trí tốt nhất để ngắm nhìn cảnh quan tuyệt đẹp của Trái đất. Cũng từ đây mà vô số bức ảnh đáng kinh ngạc về hành tinh của chúng ta từ góc nhìn ngoài không gian đã được ra đời.

Trong một dịp như vậy, kỹ sư vũ trụ người Pháp Thomas Pesquet đã tình cờ chụp được một bức ảnh cực kỳ ngoạn mục về khoảnh khắc cực quang ở xa, vốn chỉ có thể quan sát được với góc nhìn ngoài không gian.

Cực quang là một hiện tượng quang học được đặc trưng bởi sự thể hiện đầy màu sắc của ánh sáng trên bầu trời về đêm. Cực quang xảy ra khi các hạt vật chất từ những cơn bão mặt trời tiến tới và tiếp xúc với các chất khí trong bầu khí quyển của Trái Đất. Sự va chạm này thường dẫn đến những dải quang phổ tuyệt đẹp và hùng vĩ.

Sự đa dạng trong hình dáng và kích thước là điểm đặc trưng hàng đầu của cực quang. Các quầng và tia cực quang bắt đầu sáng ở độ cao 100km trên bề mặt Trái Đất, và kéo dài lên trên bề mặt dọc từ trường trong hàng trăm kilômét. Các cung cực quang có thể gần như đứng im và sau đó bắt đầu nhảy múa và đổi hướng, tạo nên những màn trình diễn ánh sáng cực kỳ hùng vĩ.

Tất nhiên không chỉ riêng các phi hành gia ISS mới có “đặc ân” thưởng thức cực quang một cách trọn vẹn. Hiện tượng thiên nhiên độc đáo này hoàn toàn có thể quan sát được từ mặt đất, tối ưu nhất là những vùng đất thuộc cực bắc như Alaska, Canada, Iceland, Greenland, Na Uy, Thụy Điển và Phần Lan. Ở phía bên kia của hành tinh, nơi Nam xa xôi, Tasmania và New Zealand cũng là những điểm đến có thể cung cấp tầm nhìn rất tốt về cực quang.

Thứ Hai, 22/08/2022 12:57
51 👨 116
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ