Nghiên cứu mới của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Úc và Trung Quốc cho thấy, cơn mưa đầu tiên xuất hiện trên Trái đất vào khoảng 4 tỷ năm trước, sớm hơn 500 triệu năm so với những tính toán trước đây.
Để xác định chính xác thời gian xảy ra cơn mưa đầu tiên trên hành tinh của chúng ta, nhóm nghiên cứu đã căn cứ vào đồng vị oxy được giữ lại trong các khoáng chất cổ xưa, lâu đời nhất còn sót lại từ lớp vỏ Trái Đất, được lưu trữ ở dãy Jack Hills, Tây Úc.
Cách đây khoảng 4 tỷ năm, Trái Đất cổ xưa sở hữu cảnh quan khô cằn, bụi bặm và không có nhiều nước. Và có thể cơn mưa đầu tiên đã góp phần tạo ra những mầm mống đầu tiên của sự sống.
Theo nghiên cứu, nhiều khả năng bên trong các tinh thể zircon của đất đá đã lưu lại những hạt nước từ cơn mưa lâu đời nhất trên Trái Đất. Các khoáng chất nguyên thủy này hầu như không thay đổi trong gần 4,4 tỷ năm, dưới nhiệt độ và áp suất của môi trường. Vì vậy, chúng đã giúp các nhà nghiên cứu có được cái nhìn rõ nét hơn về lịch sử hình thành Trái Đất.
Các nhà khoa học đã phân tích các hạt zircon nhỏ bằng phương pháp quang phổ khối ion thứ cấp nhằm suy ra đồng vị oxy nào có mặt trong đá magma đã hình thành nên các tinh thể.
Phát hiện mới của các nhà khoa học đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sự hiểu biết của chúng ta về lịch sử ban đầu của Trái Đất, đồng thời giúp mở ra những cánh cửa để khám phá sâu hơn về nguồn gốc của sự sống.