Các đám cháy tại rừng nhiệt đới Amazon đang lan nhanh và rộng kỷ lục, khói đen từ vụ cháy đã lan sang tận Sao Paulo cách hơn 2.700 km. Ngày 20/8 vừa qua, khói bụi đã che lấp ánh nắng giữa trưa, khiến bầu trời thành phố bỗng dưng sập tối, biến ngày thành đêm.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy toàn bộ bầu trời Brazil bị bao phủ bởi lượng khói khổng lồ, gần một nửa đất nước này như chìm trong bóng tối.
Mức độ nghiêm trọng của vụ cháy lớn tại rừng Amazon trong 2 tuần qua được thể hiện rõ trên bản đồ theo dõi khí CO của phòng thí nghiệm tên lửa đẩy (JPL) của NASA. Theo dõi lượng khí CO từ độ cao 5.500m, bản đồ này cho thấy những khu vực có mật độ khí CO cao đã lan rộng khủng khiếp từ ngày 8-22/8.
Theo giải thích của NASA, màu sắc trong bản đồ thể hiện mật độ khí CO, với đơn vị ppbv thể hiện số lượng phân tử khí CO trong 1 tỷ phân tử khí được đo đạc. Cụ thể, mật độ CO là 100 ppbv được thể hiện bằng màu xanh, 120 ppbv là màu vàng và 160 ppbv là màu đỏ.
NASA cho biết, số liệu ở các đơn vị địa phương có thể cao hơn nhiều. Khí CO tồn tại trong không khí đến cả tháng và có thể di chuyển rất xa. Ở độ cao như trong bản đồ này, khí CO không ảnh hưởng mấy đến không khí chúng ta thở nhưng khi bị gió mạnh đẩy xuống, nó có thể làm ảnh hưởng rõ rệt đến chất lượng không khí.
Tuy mật độ khí CO như vậy chưa gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe con người, nhưng có thể đem lại ảnh hưởng lâu dài.
Theo Ủy ban an toàn người tiêu dùng của Mỹ (CPSC), con người sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp, bị đau đầu, chóng mặt khi mật độ khí CO trên 70.000 ppbv. Khi mật độ khí CO duy trì ở mức 150.000-200.000 ppbv, con người có thể choáng, mất ý thức và chết.
Theo Viện nghiên cứu không gian quốc gia Brazil (INPE), ngọn lửa tại rừng mưa nhiệt đới Amazon đang lan rất nhanh với tốc độ 1,5 sân bóng đá mỗi phút.