Ba sông băng lớn nhất ở Greenland - chứa tổng lượng băng lớn đến nỗi có thể nâng mực nước biển toàn cầu lên khoảng 1,3 mét nếu tan chảy hoàn toàn - có thể đang tan nhanh hơn cả những dự đoán về kịch bản xấu nhất mà các nhà khoa học đưa ra trước đây.
Từ trước đến nay, các nhà khoa học vẫn khẳng định nguyên nhân chính dẫn đến mực nước biển dâng là do băng tan chảy và sự mở rộng của nước đại dương khi Trái đấ ấm lên. Tuy nhiên chỉ trong gần hai thập kỷ qua, mức độ tan chảy của những dòng sông băng khổng lồ đang biến đổi theo chiều hướng xấu đi cực kỳ nhanh chóng, đến mức vượt qua cả những ước tính tồi tệ nhất từng được đề cập trong quá khứ.
Để đưa ra những con số thống kê chính xác nhất về vấn đề trên, một nhóm các nhà khoa học quốc tế đến từ Đan Mạch và Anh đã tiến hành thu thập cũng như phân tích hàng loạt dữ liệu nghiên cứu thu được từ cuối thế kỷ 19 cho đến thời điểm hiện tại để để ước tính lượng băng đã bị tan chảy từ các sông băng lớn nhất của Greenland bao gồm: Jakobshavn Isbrae, Kangerlussuaq Glacier và Helheim.
Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng sông băng Jakobshavn Isbrae đã đổ vào Đại Tây Dương hơn 1,5 nghìn tỷ tấn băng trong khoảng thời gian từ năm 1880-2012, trong khi Kangerlussuaq và Helheim lần lượt mất 1,4 nghìn tỷ và 31 tỷ tấn băng cũng trong khoảng thời gian tương tự. Như vậy, chỉ tính riêng lượng băng tan từ ba con sông này đã đóng góp hơn 8mm vào mức tăng của mực nước biển toàn cầu trong hơn 100 năm qua.
Theo dự báo của các nhà khoa học, nếu mức độ ấm lên của Trái đất vẫn được duy trì như hiện nay, tính đến năm 2100, Jakobshavn Isbrae, Kangerlussuaq Glacier và Helheim sẽ tiếp tục đóng góp thêm 9,1–14,9mm vào mức tăng của mực nước biển toàn cầu, tức là nhiều hơn đáng kể so với tốc độ tan chảy trong quãng thời gian hơn 1 thế kỷ trước.
Còn nếu xét trên phạm vi rộng hơn, Ban cố vấn khoa học khí hậu của LHQ, IPCC, đã dự báo mực nước biển dâng từ tất cả các nguồn trên toàn cầu vào năm 2100 sẽ là từ 30-110cm, tùy thuộc vào lượng phát thải do con người tạo ra, tương đương với việc Trái đất nóng hơn 3 độ C so với mức trước Công nghiệp.
"Kịch bản xấu cần được đánh giá lại. Lượng băng mất đi có thể lớn hơn từ ba đến bốn lần so với những dự đoán trước đó chỉ riêng đối với các sông băng được xem xét trong nghiên cứu của chúng tôi", tiến sĩ Shfaqat Abbas Khan đến từ Đại học Kỹ thuật Đan Mạch, trường nhóm nghiên cứu, cho biết.
Trước đó, một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature vào tháng 9 cho thấy nếu lượng khí thải nhà kính tiếp tục không suy giảm, khoảng 36 nghìn tỷ tấn băng của Greenland sẽ tan chảy vào biển trong thế kỷ này, đủ để nâng mực nước toàn cầu lên khoảng 10cm.
Băng tan do tình trạng biến đổi khí hậu là nguyên nhân chính khiến mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống của các khu dân cư ven biển và đặc biệt các loài động vật hoang dã sống dựa vào băng như gấu Bắc Cực, chim cánh cụt hay hải cẩu. Trong tương lai, thế giới phải cần giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính thì mới hạn chế được tác động của biến đổi khí hậu và ngăn tình trạng tan băng. Tuy nhiên thực tế đã và đang chỉ ra rằng đây là nhiệm vụ không hề dễ dàng.