Chẳng may bị kẹp ngón tay hoặc cả bàn tay khi đóng cửa, hay bị vật nặng rơi vào ngón tay cảm giác sẽ cực kì đau đớn bởi ở các đầu ngón tay và ngón chân là nơi tập trung rất nhiều các đầu mút dây thần kinh và các cơ quan cảm thụ. Do đó, mỗi chúng ta cần phải biết cách sơ cứu kịp thời các trường hợp này để giảm thiểu đau đớn và di chứng. Ngoài ra, còn tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình huống, bạn có thể sẽ cần tìm kiếm sự trợ giúp y tế chuyên nghiệp để ngăn ngừa cơn đau hoặc chấn thương lâu dài. Tuy nhiên, nếu trong một số trường hợp không cần thiết phải đi khám, có những thủ thuật bạn có thể sử dụng để đối phó với cơn đau ngay tại nhà. Mời các bạn cùng tham khảo thứ tự các bước sơ cứu khi bị dập ngón tay trong trường hợp không may dưới đây nhé!
Phần 1: Đối phó với cơn đau
1. Chườm đá vào khu vực bị chấn thương
Vì lý do y tế nên điều đầu tiên bạn cần làm sau khi bị kẹt tay vào khe cửa là chườm đá vào khu vực chấn thương. Tuy nhiên, ngoài lý do y tế, nhiệt độ lạnh của đá sẽ giúp gây tê bàn tay sau khi chườm đá đủ lâu. Mặc dù ban đầu, cái lạnh khắc nghiệt của đá viên có thể sẽ gây khó chịu hoặc đau đớn nhưng bạn nên cố gắng vượt qua và giữ nguyên đá tại vị trí bị chấn thương. Sau đó, bạn sẽ mất dần cảm giác – bao gồm cả cơn đau – tại khu vực được chườm đá.
2. Giữ bình tĩnh
Thông thường, hành động đầu tiên của bạn sẽ là hoảng sợ, nhưng hãy cố gắng bình tĩnh không nên để bản thân bị kích động quá mức. Sự kích động có thể làm tăng quá trình lưu thông máu và dẫn đến tình trạng sưng tấy nguy hiểm hơn. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng lo lắng sẽ làm tăng thêm sự cảm nhận nỗi đau, mặc dù trên thực tế vấn đề tập trung vào tình trạng đau đớn mãn tính hơn là chấn thương cấp tính. Hơn nữa, việc giữ bình tĩnh sẽ giúp bạn duy trì sự tập trung và quản lý cơn đau trong thời gian ngắn hơn.
3. Uống thuốc giảm đau không cần kê toa (OTC)
Đối với những chấn thương nghiêm trọng, bạn nên đến gặp bác sĩ để có thể chữa trị chấn thương kịp thời và kê toa thuốc giảm đau nặng hơn cho bạn. Tuy nhiên, đối với tình huống dễ quản lý hơn, các loại thuốc giảm đau không cần kê toa sẽ giúp bạn đối phó với cơn đau một cách nhanh chóng. Thông thường, thuốc giảm đau không cần kê toa có thể là acetaminophen (Tylenol, Panadol, v.v.) hoặc ibuprofen (Advil, Motrin, v.v.).
- Uống thuốc theo chỉ định. Bạn cần phải uống acetaminophen sau 4 – 6 giờ mỗi lần và ibuprofen sau 6 – 8 giờ mỗi lần.
- Nếu gặp vấn đề về dạ dày, thận hoặc đang mang thai không nên sử dụng thuốc ibuprofen mà không tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
- Những người mắc bệnh gan không nên uống acetaminophen.
4. Tập trung vào hơi thở
Hít thở sâu sẽ giúp bạn giữa bình tĩnh trở lại và hạ thấp nhịp tim. Tập trung vào việc cảm nhận không khí ở từng giai đoạn trong quá trình hô hấp – bạn sẽ cảm nhận được không khí đi vào mũi bạn như thế nào, khi giữ nó trong ngực, khi nó nhanh chóng thoát ra ngoài qua mũi hoặc qua miệng. Hãy tập trung suy nghĩ về những cảm giác này thay cho bất kỳ yếu tố nào khác.
- Hít không khí vào sâu trong cơ thể một cách chậm rãi sao cho bụng phình to lên, chứ không phải lồng ngực.
- Khi hít đầy không khí vào bụng rồi, hãy nín thở trong vòng một vài giây.
- Thở ra từ từ và chậm rãi, kiểm soát lượng không khí thay vì cho phép chúng tự thoát ra ngoài cùng một lúc.
- Khi hoàn tất quá trình thở ra, hãy ngừng lại một vài giây trước khi tiếp tục tiến hành chu kỳ hít thở này.
- Lặp lại quá trình này cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái trong việc giải thoát sự chú ý của bản thân.
5. Tự gây xao nhãng cho chính mình
Để không suy nghĩ về cơn đau gây khó chịu, bạn nên chú ý đến một tác nhân kích thích khác, thu hút các giác quan như nghe album nhạc yêu thích, xem chương trình TV hoặc phim, trò chuyện với một ai đó, thực hiện hoạt động nhẹ nhàng không gây căng thẳng cho bàn tay, chẳng hạn đi dạo. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc tập trung 5 giác quan sẽ giúp cơn đau trở nên dễ quản lý hơn.
6. Hình dung về thức ăn
Nghiên cứu trước kia đã chỉ ra rằng việc sử dụng phương pháp tưởng tượng theo hướng dẫn, trong đó, một người hoặc một đoạn âm thanh ghi âm giúp người đang bị đau tập trung vào hình ảnh thư giãn tinh thần giúp xoa dịu cơn đau mãn tính và cấp tính. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây lại chỉ ra rằng chỉ cần tự hình dung về món ăn yêu thích cũng sẽ đem lại hiệu quả tương tự mà không cần thêm sự trợ giúp hoặc hướng dẫn nào khác từ bên ngoài. Chỉ cần hình dung về việc được thưởng thức những thức ăn yêu thích của bạn một cách chi tiết – cho dù đó là sôcôla hay bánh mì kẹp thịt pho mát – tưởng tượng về hương vị và cảm giác của nó. Cho phép những suy nghĩ vui vẻ này xâm chiếm lấy tâm trí bạn và cơn đau sẽ tự động tan biến.
Phần 2: Giải quyết mối lo ngại y tế
1. Chườm đá ngay lập tức
Bước quan trọng nhất sau khi bị chấn thương chính là chườm đá vào tay càng sớm càng tốt. Nhiệt độ lạnh của đá viên sẽ làm giảm lượng máu lưu thông đến khu vực bị thương, giúp giảm thiểu tình trạng sưng tấy hoặc viêm nhiễm có thể khiến cho chấn thương trở nên tồi tệ hơn. Cái lạnh khắc nghiệt cũng sẽ gây tê khu vực đó, giúp giảm đau như đã trình bày ở trên.
- Nếu không có sẵn đá viên, bất kỳ một vật dụng nào có nhiệt độ lạnh cũng sẽ đem lại kết quả. Một túi rau củ trong ngăn đá cũng tốt có tác dụng như túi đá viên vậy.
2. Nâng cao ngón tay bị thương lên
Hãy chỉ ngón tay bị thường lên trời. Tương tự như biện pháp chườm lạnh, mục tiêu của hành động này là giảm thiểu sự lưu thông máu tại khu vực bị chấn thương để giảm sưng tấy. Khi chườm lạnh vào vết thương, bạn cũng nên giơ cả bàn tay và ngón tay lên trời.
3. Kiểm tra vị trí chấn thương trên tay
Nếu cơn đau nặng nhất là trong lòng bàn tay hoặc bất kỳ một khớp xương nào khác bị ảnh hưởng, bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp y tế càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, nếu bị dập cửa vào đầu ngón tay và không gây chấn thương cho các khớp hoặc lòng móng tay (vùng da nằm bên dưới móng tay), có thể bác sĩ sẽ khuyên bạn nên để tay nghỉ ngơi và hồi phục.
4. Bảo đảm lòng móng tay không bị chấn thương
Có thể dễ dàng nhận ra được nếu móng tay bị tách khỏi bề mặt da bằng cách tìm kiếm vết thâm đen bên dưới móng tay. Sự đổi màu này là dấu hiệu cho thấy tình trạng tụ máu dưới móng tay và bạn nên liên lạc với bác sĩ sớm để xin lời khuyên về cách giải quyết. Nếu chỉ là một lượng máu nhỏ, chấn thương sẽ tự chữa lành. Tuy nhiên, lượng máu tích tụ khá nhiều có thể khá đau đớn và đòi hỏi phải chữa trị ngay. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn đến phòng khám để kiểm tra lượng máu tích tụ bên dưới ngón tay và hướng dẫn bạn cách thức để tự thực hiện điều này.
- Cần phải loại bỏ lượng máu đông nếu tích tụ không quá 24 giờ. Nếu đã 48 giờ trôi qua, lượng máu đã vón cục và không thể loại bỏ chúng. Bệnh nhân cần phải tiến hành xét nghiệm thần kinh – mạch máu trên tay. Độ co duỗi của các khớp ngón tay đều phải được kiểm tra.
5. Tuân theo hướng dẫn của bác sĩ để loại bỏ lượng máu tích tụ bên dưới móng tay
Không nên cố gắng loại bỏ máu đông mà không tham khảo ý kiến của chuyên gia y tế trước khi thực hiện. Tuy nhiên, nếu được cho phép thực hiện điều này, bạn có thể loại bỏ lượng máu tích tụ bên dưới móng tay bằng cách tuân theo hướng dẫn của bác sĩ. Nhớ rửa sạch ngón tay trước và sau khi tiến hành quá trình này.
- Làm nóng đầu một chiếc kẹp giấy hoặc đinh ghim trên lửa cho đến khi chúng ửng đỏ để tiệt trùng. Giữ chặt chúng bằng kìm hoặc găng tay bảo hộ để bảo vệ tay khỏi bị phỏng.
- Chạm đầu kim loại nóng vào đầu ngón tay, nơi máu đang tích tụ, không cần sử dụng quá nhiều lực, sức nóng sẽ đốt một lỗ nhỏ trên đầu ngón tay bạn. Hầu hết mọi trường hợp, quá trình này sẽ khá khó chịu, nhưng không gây đau đớn.
- Cho phép máu thoát ra ngoài từ lỗ này để xoa dịu cơn đau.
- Bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng sinh cho bạn.
6. Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu cần
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương, bạn có thể chỉ cần chườm đá lên tay và chờ cho tay tự chữa lành. Tuy nhiên, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu gặp phải một trong các tình trạng sau:
- Không thể gập được các ngón tay
- Chấn thương khớp hoặc xương lòng bàn tay
- Chấn thương lòng móng tay
- Một vết cắt sâu
- Gãy xương
- Bụi bẩn tại vị trí chấn thương cần được làm sạch để ngăn ngừa nhiễm trùng
- Bất kỳ một dấu hiệu viêm nhiễm nào (đỏ, sưng tấy, da ấm lên, có mủ, sốt)
- Chấn thương không thể chữa lành hoặc cải thiện
Tham khảo thêm một số bài viết:
- Thủ thuật sơ cứu Heimlich khi bị hóc dị vật
- Các biện pháp xử lý và chữa trị ngộ độc thực phẩm tại nhà
- Cách để không bị chóng mặt, buồn nôn khi đọc sách trên tàu xe
Chúc các bạn vui vẻ!