Ngắm nhật thực từ sao Hỏa

Mặt Trời và Mặt Trăng đều tròn nên nhật thực trên Trái đất khá tròn trịa. Nhưng ở trên sao Hỏa, hiện tượng thiên văn kỳ thú này trông hơi khác.

Robot Perseverance của NASA, đang hoạt động trên sao Hỏa đã ghi lại khoảnh khắc mặt trăng Phobos với hình dạng giống củ khoai tây bay qua phía trước Mặt Trời, và che khuất một phần đĩa Mặt Trời tạo thành "nhật thực méo".

Các ảnh chụp của Perseverance đã được chuyên gia xử lý hình ảnh Kevin Gill tổng hợp và tạo thành một video ngắn cho thấy Phobos di chuyển ngang qua Mặt Trời. Qua video, chúng ta có thể quan sát hiện tượng nhật thực khi nhìn từ bề mặt hành tinh đỏ.

Nhật thực trên sao Hỏa

Phobos là một trong hai mặt trăng của sao Hỏa. Vệ tinh tự nhiên của sao Hỏa này có kích thước chỉ bằng 1/157 lần Mặt Trăng của Trái Đất với điểm rộng nhất là 27km. Trên bề mặt của Phobos có nhiều hố trũng và rãnh. Phobos di chuyển khá gần sao Hỏa, thậm chí trong vài chục triệu năm nữa nó có thể đâm vào hành tinh đỏ. Deimos, vệ tinh tự nhiên còn lại của Mặt trăng còn có kích thước nhỏ hơn Phobos rất nhiều.

Robot sao Hỏa Perseverance cùng trực thăng nhỏ Ingenuity hạ cánh xuống hố trũng Jezero rộng 45km trên hành tinh đỏ vào ngày 18/2/2021.

Robot đang thực hiện nhiệm vụ thu thập các mẫu đá, tìm kiếm bằng chứng về sự sống của vi khuẩn cổ đại tại khu vực từng là vùng châu thổ sông cách đây khoảng 3,5 tỷ năm trên sao Hỏa. Ngoài ra, robot này cũng dành thời gian ghi lại những diễn biến trên bầu trời sao Hỏa, ví dụ như nhật thực.

Thứ Tư, 23/11/2022 11:30
31 👨 279
0 Bình luận
Sắp xếp theo
    ❖ Khoa học Vũ trụ