Dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp, một trong những việc quan trọng giúp hạn chế dịch bệnh lây lan trong cộng đồng là phân loại, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm và tiếp xúc với người nhiễm. Vậy, để phòng chống dịch, ai phải cách ly tập trung, ai phải cách ly y tế ở nhà, cách ly ở nhà như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết dưới đây để có câu trả lời, từ đó nâng cao tinh thần tự giác, chung tay cùng cả nước đẩy lùi dịch bệnh.
Ai phải cách ly y tế
Sơ đồ phân loại F0, F1, F2...
Sơ đồ phân loại và cách ly người nhiễm, nghi nhiễm, tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm Covid-19 dưới đây để có câu trả lời.
F0: Người được xác định nhiễm Sars-CoV2
- Điều trị theo chỉ định của bác sĩ
- Điều trị và cách ly tại các Bệnh viện được điều trị người bệnh dương tính theo quy định của Bộ Y tế
- Tự phục vụ để hạn chế lây cho mọi người
- Đồng thời báo cho F1 về tình trạng của mình.
F1: Người nghi nhiễm, người đi về từ vùng dịch hoặc tiếp xúc gần với F0
- Đeo ngay khẩu trang
- Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
- Cách ly tại khu vực được quy định của Bộ Y tế theo cập nhật trong từng giai đoạn phòng dịch.
- Đồng thời báo cho F2 về tình trạng của mình.
F2: Người tiếp xúc với F1
- Đeo ngay khẩu trang
- Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
- Cách ly tại nhà theo quy định của Bộ Y tế. Trong trường hợp F1 âm tính, F2 có thể giải phóng và tự theo dõi sức khỏe.
- Đồng thời báo cho F3 về tình trạng của mình.
F3: Người tiếp xúc với F2
- Đeo ngay khẩu trang
- Báo cho cơ sở y tế nơi sinh sống
- Tự theo dõi sức khỏe và báo cáo nếu có triệu chứng ho, sốt, khó thở, mệt mỏi...
- Đồng thời báo cho F4 về tình trạng của mình.
F4: Người tiếp xúc với F3 hoặc F5: Người tiếp xúc với F4
- Đeo ngay khẩu trang
- Không cần cách ly, tự theo dõi sức khỏe
Ai phải tự cách ly y tế tại nhà
Theo Quyết định số 345/QĐ-BYT hướng dẫn cách ly y tế tại nhà và nơi lưu trú của Bộ y tế, đối tượng cách ly tại nhà gồm những trường hợp sau:
Những người không có các triệu chứng nghi nhiễm nCoV (ho, sốt, khó thở) và có một trong những yếu tố sau đây:
a) Sống trong cùng nhà, nơi lưu trú với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
b) Cùng làm việc với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
c) Cùng nhóm du lịch, đoàn công tác, nhóm vui chơi với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong thời gian mắc bệnh;
d) Có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong trong thời gian mắc bệnh ở bất kỳ tình huống nào;
đ) Ngồi cùng hàng hoặc trước sau hai hàng ghế trên cùng một chuyến xe/toa tàu/máy bay với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ;
e) Người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc hoặc từng đi qua Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
Ngoài ra, người vừa hoàn thành cách ly y tế tập trung 14 ngày sẽ tiếp tục được theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và yêu cầu hạn chế tiếp xúc với người xung quanh, thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng hộ cá nhân gồm:
- Áp dụng các biện pháp phòng chống dịch và tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú đồng thời phải chủ động báo cho cơ quan y tế địa phương nơi lưu trú biết ngay khi trở về từ khu cách ly tập trung;
- Phải sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để giám sát việc thực hiện phòng chống dịch trong suốt thời gian theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú;
- Phải thực hiện việc khai báo sức khỏe hàng ngày cho cán bộ y tế địa phương. "Nếu có các dấu hiệu sốt, ho, đau họng, khó thở, mệt mỏi, ớn lạnh, mất vị giác chuyển ngay đến cơ sở y tế để được hướng dẫn quản lý kịp thời theo quy định.
- Không được ra khỏi nhà, nơi lưu trú; nếu bắt buộc phải ra khỏi nhà, nơi lưu trú để làm việc hoặc thực hiện các công việc cần thiết khác thì phải báo cho công an, y tế địa phương và thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K (khẩu trang - khoảng cách - không tập trung - khử khuẩn - khai báo y tế) của Bộ Y tế; không tụ tập, đến nơi đông người
- Trường hợp cần thiết phải di chuyển tới địa phương khác thì cơ quan, đơn vị tiếp nhận chuyên gia (đối với chuyên gia) hoặc công dân Việt Nam phải báo trước cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi lưu trú để thông báo cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, thành phố nơi đến để tiếp tục quản lý, theo dõi sức khỏe theo quy định;
- Phải thực hiện xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 vào ngày thứ 7 (tính từ ngày kết thúc cách ly tập trung). Nếu kết quả xét nghiệm âm tính, tiếp tục theo dõi sức khỏe theo quy định cho đến khi đủ 14 ngày; nếu kết quả xét nghiệm dương tính, cách ly ngay tại cơ sở y tế theo quy định.
Cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú như thế nào?
Người cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú cần thực hiện theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, cụ thể như sau:
- Chấp hành việc tự cách ly tại nhà, nơi lưu trú đúng thời gian quy định, tốt nhất cách ly ở một phòng riêng. Trong trường hợp gia đình, nơi lưu trú không có phòng riêng thì giường ngủ của người được cách ly nên cách xa giường ngủ của các thành viên khác trong gia đình ít nhất 2 mét.
- Phòng cách ly nên đảm bảo thông thoáng khí, thường xuyên được vệ sinh, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng, nơi cách ly.
- Tự đo nhiệt độ cơ thể ít nhất 2 lần (sáng, chiều) một ngày; ghi chép kết quả đo và tình trạng sức khỏe chung vào phiếu theo dõi sức khỏe hàng ngày.
- Hàng ngày hạn chế ra khỏi phòng riêng, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người trong gia đình, nơi lưu trú cũng như những người khác; tự theo dõi sức khỏe; thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn khác.
- Hàng ngày thông báo cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi 2 lần sáng, chiều về kết quả đo nhiệt độ và tình hình sức khỏe của bản thân.
- Thông báo ngay cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn được phân công phụ trách theo dõi ngay khi có một trong các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh: sốt, ho, khó thở.
- Không được tự động rời khỏi nhà, nơi lưu trú.
- Người được cách ly phải thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi đựng rác thải riêng và để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
- Không ăn chung cùng với những người khác trong gia đình, nơi lưu trú.
Hy vọng qua bài viết này các bạn đã biết ai phải cách ly tập trung, ai phải cách ly y tế tại nhà, cách ly tại nhà như thế nào, sau khi cách ly tập trung cần phải làm gì. Việt Nam đang phải đối mặt với với đại dịch Covid-19, vào lúc này, mỗi người dân hãy thực hiện nghiêm túc hướng dẫn phòng chống dịch bệnh và các khuyến cáo của bộ y tế cùng chung tay đẩy lùi đại dịch.